Nói về tác phẩm của Olga Tokarczuk, Giáo sư Per Wastberg, Chủ tịch Ủy ban Nobel về văn học đánh giá: “Chúng ta có nhà văn tầm cỡ thế giới, người miêu tả thế giới bằng phong cách đầy chất thơ và khác thường”. Tác phẩm vừa được dịch sang tiếng Việt qua sự phối hợp giữa Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và NXB Phụ nữ, do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ.
Qua video được gửi từ Ba Lan, nữ văn sĩ Olga Tokarczuk bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam. Và tôi luôn hy vọng, khi sách của tôi được xuất bản tại Việt Nam, tôi sẽ có cơ hội đến đây. Tôi xin hứa với bản thân và các quý vị khi hết dịch bệnh, khi thế giới trở lại bình thường, tôi sẽ gặp các quý vị thực sự”.
Với dân số chưa đến 40 triệu người, trong vòng 113 năm (1905 - 2018) Ba Lan đã có 5 người đoạt giải Nobel Văn học, gồm: Henryk Sienkiewicz (1905), Władysław Reymont (1924), Czesław Miłosz (1980), Wisława Szymborska (1996) và Olga Tokarczuk (2018) với tác phẩm Bieguni, những người không ngừng chuyển động. Sử dụng thủ pháp phân mảnh, tác phẩm tập hợp rất nhiều câu chuyện, con người ở những thời điểm và không gian khác nhau.
Đây là một tác phẩm không có biên giới, ở đó, con người trên khắp thế giới đang không ngừng chuyển động. Họ di chuyển từ các cung điện xưa của vua một nước Hồi giáo nhỏ bé, qua các phòng trưng bày đồ cổ thế kỷ XVII, đến các nhà ga hiện đại ở sân bay. Với tác phẩm này, Olga Tokarczuk đề cao sự hiện hữu của loài người ngay trong hiện tại.
Ông Maciej Duszynski (giữa), Trưởng phòng Kinh tế Chính trị, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ về văn học Ba Lan tại chương trình
Theo dịch giả Nguyễn Văn Thái, Olga Tokarczuk đã mô tả thế giới quanh ta bằng phương pháp hết sức đặc biệt, thông minh và nhạy cảm. Còn Ủy ban Nobel vinh danh tác phẩm của bà “Vì trí tưởng tượng dựa trên các quan sát tinh tế, kết hợp với sự say mê của bộ óc bách khoa, bà chỉ ra cho chúng ta thấy việc vượt qua các ranh giới như là một định dạng của cuộc sống. Bà chưa bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định và tồn tại vĩnh hằng”.
Ngoài Olga Tokarczuk, trong nhiều năm qua, văn học Ba Lan đã hiện diện ở Việt Nam, gây ấn tượng với độc giả trong nước. Nhiều tác phẩm đến từ quốc gia này đã và đang được bạn đọc tìm đọc như Cô đơn trên mạng, Ban công lên trời, Con voi, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Hania… Không riêng Việt Nam, văn học Ba Lan còn gây ấn tượng với bạn đọc thế giới mà 5 giải Nobel Văn học là một minh chứng đầy thuyết phục.
Riêng Olga Tokarczuk, trong những năm gần đây, bà đã nhận được nhiều giải thưởng ở trong nước và nước ngoài. Cho đến tháng 10-2019, sách của bà đã được dịch ra 37 thứ tiếng. Có được điều này phần lớn là nhờ vào sự đầu tư của chính phủ Ba Lan khi nhìn thấy được sức mạnh của văn học trong việc nối kết giữa các quốc gia, từ đó tạo ra những cơ hội về văn hóa, kinh tế.
Tác phẩm "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" do NXB Phụ nữ ấn hành vừa được ra mắt bạn đọc trong nước
Tại buổi giới thiệu tác phẩm Bieguni, những người không ngừng chuyển động, ông Maciej Duszynski, Trưởng phòng Kinh tế Chính trị, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam cho biết, việc có 5 nhà văn được nhận giải Nobel về văn học là niềm vinh hạnh và tự hào của đất nước và người dân Ba Lan. Theo ông, sang năm 2021, Đại sứ quán sẽ tập trung giới thiệu những tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, mà một trong số đó là The Invincible (tạm dịch: Bất khả chiến bại) của tác giả Rafal Mikolajczyk (43 tuổi).
Tác phẩm được chuyển thể từ một tác phẩm của nhà văn Stanistaw Lem, một trong những tác giả nổi tiếng không chỉ ở Ba Lan mà trên thế giới với các tiểu thuyết về khoa học viễn tưởng. “Từ trước tới nay, những tác phẩm của Ba Lan được giới thiệu chủ yếu về lịch sử, về quá khứ nhưng chúng tôi cũng muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam những tác phẩm về tâm lý con người, về tương lai của Ba Lan thông qua các tác phẩm khoa học viễn tưởng”, ông Maciej Duszynski cho biết.