Trải qua hơn 4 tháng từ ngày phát động 10-1-2023, cuộc thi dịch thuật đầu tiên dành cho thiếu nhi với tên gọi “Chạm chữ” đã nhận được gần 500 bài dự thi từ các bạn học sinh trên toàn quốc.
Kết quả, đã tìm ra được hai dịch giả xuất sắc, đó là em Trần Quân (lớp 3A5, Trường Vinschool Metropolis) với dịch phẩm Kafka và cô búp bê và em Phạm Thị Ngọc Hòa (lớp 9, Trường THCS Hà Huy Tập, TPHCM) với dịch phẩm Cô gà mái của bác Izzy Pippik.
Tác phẩm "Kafka và cô búp bê" do Trần Quân, học sinh lớp 3A5, Trường Vinschool Metropolis, dịch |
Kafka và cô búp bê (sáng tác: Larissa Theule, minh họa: Rebecca Green) là câu chuyện được sáng tác dựa theo một giai thoại có thật về cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa nhà văn đại tài Franz Kafka và cô bé Irma. Mùa thu năm 1923, Kafka đang dạo bộ trong công viên thì nhìn thấy Irma ngồi khóc rấm rứt vì mất đi bạn búp bê Soupsy yêu dấu. Sức mạnh của một nhà văn đã giúp biến nỗi mất mát ấy trở thành hành trình dài những chuyến phiêu lưu ly kỳ.
Dịch giả nhí Trần Quân cho thấy khả năng rung cảm tinh tế của bản thân trước những chi tiết sâu sắc trong câu chuyện thông qua ngôn từ trong trẻo và giàu cảm xúc của em. Không cần đến những từ ngữ hoa mỹ hay câu văn rườm rà, chỉ với những dòng viết gãy gọn và trong sáng, Trần Quân chuyển tải đúng tinh thần của câu chuyện đời thường nhưng có sức lay động trái tim mãnh liệt này.
Cùng đạt giải trong cuộc thi "Chạm chữ" là em Phạm Thị Ngọc Hòa, học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Huy Tập, TPHCM - người dịch tác phẩm "Cô gà mái của bác Izzy Pippik" |
Cô gà mái của bác Izzy Pippik (sáng tác: Aubrey Davis, minh họa: Marie Lafrance) là câu chuyện dựa trên một tích cổ từ kinh của đạo Do Thái và Hồi Giáo nhằm giáo dục nhân cách cho trẻ em.
Bản dịch của Ngọc Hòa có nhiều từ tượng thanh và tượng hình, tuy không mới nhưng được vận dụng một cách thuần thục, khiến lời văn trở nên sống động hơn rất nhiều, nhất là những đoạn mô tả sự hỗn loạn do bầy gà gây ra: “Vậy là chẳng bao lâu sau, lũ gà trống gáy inh ỏi trên mái nhà, đàn gà mái làm tổ ở mọi ngóc ngách và hàng trăm con gà vỗ cánh phành phạch khắp nơi trong thị trấn”.
Cuốn sách có nhiều tình tiết lặp lại - chẳng hạn như đoạn hội thoại đòi làm thịt cô gà, nếu dịch không khéo, sẽ rất nhàm chán. Nhưng Ngọc Hòa đã khéo léo biến tấu để mỗi tình tiết tuy giống nhau nhưng được kể một cách mới mẻ và thú vị.