Ra mắt sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”

Trong khuôn khổ “Tuần lễ sách của người làm báo”, chiều 17-6, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra chương trình ra mắt sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (First News và NXB Tổng hợp TPHCM) của hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú.

Vì tính chất nghề nghiệp, lực lượng tình báo gần như phải luôn giữ kín thân phận và nhiệm vụ của mình. Sách viết về tình báo cũng như những người hoạt động trong ngành đến nay không nhiều. Đâu đó công chúng mới chỉ biết đến Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang); mãi đến gần đây có thêm Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc). Ông cũng chính là nhân vật trong cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng vừa được phát hành gần đây.

Vào năm 2004, Báo Thanh Niên khởi đăng loạt ký sự 36 kỳ với tựa đề Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng, kể về một vị tướng tình báo “hiền như bụt” nằm vùng trong cơ quan mật vụ tối cao của địch, người đã có đóng góp to lớn giúp cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi và thống nhất đất nước.

Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ tại chương trình giao lưu ra mắt sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng"

Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ tại chương trình giao lưu ra mắt sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng"

Ông chính là Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức, đồng đội gọi ông là Ba Quốc. Ông cũng là người thầy lỗi lạc đã dìu dắt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trưởng thành từ những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực tình báo.

Trong hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.

Ông cũng là vị tướng tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.

Vì lý do sức khỏe nên nhà báo Tấn Tú không thể tham dự được chương trình. Tại chương trình giao lưu, nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết, sở dĩ tên tuổi của ông Ba Quốc chưa từng xuất hiện trên báo hay các phương tiện truyền thông vì việc tiếp cận và thuyết phục để viết về ông Ba Quốc không dễ.

“Qua sự kết nối của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có duyên may được gặp chú Ba Quốc. Tuy nhiên, lúc gặp, ông lại bảo hãy để câu chuyện của ông rơi vào quên lãng, không có gì đáng viết. Tôi nhờ nhiều lần, nhờ nhiều người như ông Ẩn, ông Mười Nho nhưng ông Ba Quốc đều lắc đầu. Cuối cùng, tôi nhờ anh Nguyễn Chí Vịnh, là học trò gần gũi xuất sắc nhất của ông Ba Quốc. Anh Vịnh dẫn tôi đến gặp ông Ba Quốc, “bảo lãnh” tư cách của chúng tôi, thì ông Ba Quốc mới đồng ý để chúng tôi viết về ông”, nhà báo Hoàng Hải Vân kể.

Ngoài 36 kỳ được đăng trên Báo Thanh Niên vào năm 2004, ấn phẩm Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng còn bổ sung một phần về hoạt động của ông Ba Quốc sau năm 1975 với những chiến công mà các tác giả phải thừa nhận là “lừng lẫy” hơn những gì họ có thể tưởng tượng. Đó là sự kiện ông Ba Quốc giải cứu Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ, cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, xóa sạch tất cả các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc, cung cấp về tổng hành dinh những báo cáo quân sự quan trọng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, đồng thời phát hiện nhiều kẻ phản bội trong hàng ngũ của ta…

Nhưng trên hết, cảm xúc đọng lại trong lòng độc giả sau khi khép lại cuốn sách này chính là niềm tự hào về những gì cha ông chúng ta đã làm được, tự hào về một Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng. Và rồi từ chính lòng tự hào đó, chúng ta sẽ càng thêm tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của đất nước và dân tộc.

Tin cùng chuyên mục