Buổi gặp gỡ cũng là dịp ra mắt sách Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý – họ là pho vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.
Những gì khai thác được từ thực tiễn đời sống sân khấu ở Sài Gòn giai đoạn 1955-1975 sẽ có ích cho các nhà sư phạm nghệ thuật sân khấu Việt Nam, bởi giai đoạn bị tạm chiếm này chưa có dịp đưa vào lịch sử sân khấu, đang là một khoảng trống cần được lấp đầy để liền mạch dòng chảy lịch sử 100 năm sân khấu cải lương.
Sách "Cải lương Sài Gòn 1955-1975" tập hợp nhiều thông tin quý về các sự kiện, nhân vật hoạt động sân khấu cải lương nổi bật trong giai đoạn này. Ảnh: THÚY BÌNH |
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ: “Sách Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975 được phát hành để bổ sung thêm những tư liệu quý dành cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật chuyên ngành sân khấu, dành tặng cho các thế hệ sinh viên đang nghiên cứu về cải lương, để các em có cái nhìn rõ ràng, tổng quan hơn về sân khấu cải lương trước giải phóng. Trước giờ, tài liệu sân khấu cải lương miền Bắc khá nhiều nhưng phía Nam có rất ít tư liệu. Cuốn sách chính là tài liệu tập hợp đầu tiên. Đây thật sự là một công trình “lấy công làm của” mà “của” này là vô giá”.
Theo chủ biên - NSND Trần Minh Ngọc: “Nhìn vào lịch sử sân khấu Việt Nam, có một khoảng trống mà không ai đề cập là giai đoạn Sài Gòn và Hà Nội bị tạm chiếm. Thời gian này sân khấu cải lương có rất nhiều hoạt động, xuất hiện nhiều nhân tố tiêu biểu, các vấn đề sân khấu gắn với đời sống và xã hội nổi bật. Vậy nên chúng tôi cố gắng thực hiện cho được cuốn sách này với mong muốn tạo được sự liên tục của lịch sử sân khấu Việt Nam”.
Tuy nhiên khi ý tưởng này được Ban Chấp hành Hội Sân khấu TPHCM đưa ra, lại rơi vào ngõ hẹp vì thiếu kinh phí và có nhiều vấn đề rào cản xung quanh.
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung bày tỏ tâm tư: “Việc khởi xướng thực hiện cuốn sách này rất chật vật, nhất là về kinh phí in ấn, bên cạnh là việc xin được chấp nhận công trình này đưa vào công trình của Liên hiệp cũng khá chật vật. Đến nay, cuốn sách được hoàn thành và ra mắt khiến tôi rất xúc động. Cuốn sách đã nhận rất nhiều nội dung và sự đóng góp của cộng tác viên, người biên soạn, biên tập... So với tư liệu ban đầu nhận được, ê kíp thực hiện mới chỉ xử lý được hơn phân nửa, còn nhiều nội dung và thông tin lắm. Những người thực hiện cuốn sách đã phải chắt lọc lại rất nhiều về một đề tài, một con người nào đó để có sự đầy đặn và tinh chọn tốt nhất có thể. Mặt khác, vẫn còn nhiều đề tài nằm trong công trình này, cần hậu thế sau này tiếp tục nghiên cứu. Sau cuốn sách này, cần thiết lên kế hoạch thực hiện tiếp công trình sân khấu cải lương sau 1975”.
Sách do NXB Hội Nhà văn in ấn, hoàn thành với sự trợ giúp về kinh phí của các doanh nghiệp chuyên hoạt động VHNT và các nghệ sĩ sân khấu trẻ. Sách được thiết kế thành 3 chương gồm: Tổng quan sân khấu cải lương Sài Gòn 1955-1975; Vai trò của các bậc thầy – Những yếu tố mới; Khán giả Sài Gòn thay đổi cách làm nghệ thuật giải trí, thay đổi phương thức đấu tranh chống văn hóa ngoại lai; bên cạnh phần Tổng luận và Phụ lục; với tổng cộng 22 bài viết của NSND Trần Minh Ngọc, đạo diễn – NSƯT Ca Lê Hồng, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, TS Mai Mỹ Duyên, TS Đỗ Dũng, Thạc sĩ Phạm Thái Bình, soạn giả Đăng Minh, soạn giả Mai Quân, soạn giả Nguyễn Phương, nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp…
Ban biên soạn sách "Cải lương Sài Gòn 1955-1975". Ảnh THÚY BÌNH |
Bên cạnh các bài viết còn có 12 trang in chân dung các soạn giả, nghệ sĩ cải lương tên tuổi của Sài Gòn giai đoạn 1955-1975 như: nghệ sĩ Năm Nở, Tư Chơi, thầy Năm Tú, NS Phùng Há, Ba Vân, Kim Thoa, Năm Châu, soạn giả Viễn Châu – Bảy Bá, soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, NS Minh Tơ, họa sĩ Phan Phan, NS Ngọc Nuôi, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Tám Vân, Năm Nghĩa, Kim Chưởng, bầu Xuân, bà bầu Thơ, NS Thanh Nga, Văn Hường, Bảy Nam, Kim Cương, Bảo Quốc, Ngọc Hương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Văn Ngà, Thanh Tú, Nam Hùng, Minh Vương, Minh Phụng, Trường Xuân… gợi nhớ nhiều ký ức sân khấu cải lương cho những người xem là khán giả mộ điệu sân khấu, đặc biệt là những người đang hoạt động, gắn bó với đời sống sân khấu cải lương hôm nay.
Theo ý tưởng của những người thực hiện sách Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975, sách sẽ được trao tặng cho các trường đào tạo các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, các trường đại học văn hóa, các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên ngành có nhu cầu.