Nhà báo Hà Đình Nguyên tiết lộ Nguyễn Bính là một trường hợp đặc biệt. Tuy ông là nhà thơ cách mạng sống ở miền Bắc nhưng lại được giới trẻ tại miền Nam trước 1975 biết đến khá nhiều. Nguyên nhân là một số nhà văn khi viết truyện đã thường trích dẫn thơ tình của Nguyễn Bính.
Nhà thơ Lê Thị Kim thì cho rằng Nguyễn Bính là một nhà thơ rất đặc biệt, ông viết nhiều về hình ảnh đồng quê, về con người Việt Nam nên hay được xem là “nhà thơ chân quê” nhưng giọng thơ, chất thơ của ông lại rất hiện đại, mới lạ nên rất thu hút bạn đọc nhiều thế hệ, đến tận ngày nay.
Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.
Khoảng năm 1947 ông đi theo cách mạng và bắt đầu sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia sáng tác, làm báo… Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông sáng tác rất mạnh, viết đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.
Ông mất vào ngày 29 Tết Bính Ngọ, 1966 (năm đó không có ngày 30). Về năm sinh của ông thì cho đến nay chính thức theo lý lịch là năm 1918 tuy nhiên gia đình của ông thì lại khẳng định là vào năm 1917 và bộ sách Nguyễn Bính toàn tập chính là để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nguyễn Bính có nhiều bài thơ rất nổi tiếng và quen thuộc. Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu hay nhắc đến tác phẩm “Những bóng người trên sân ga” viết năm 1937.
Tác phẩm được bình chọn nằm trong 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 (cuộc bình chọn do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức công bố vào năm 2007). Cũng như nhiều bài thơ khác của ông, tác phẩm có nhiều dị bản, khác biệt cả về câu cũng như khổ. Dưới đây là bản trong Nguyễn Bính - thơ và đời do Hoàng Xuân thực hiện, NXB Văn học xuất bản năm 2003.
Những bóng người trên sân ga
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
"Đường về nhà chị chắc xa xôi?"
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!"
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
(Hà Nội, 1937)