3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng "thiên đường sữa"
Tại sự kiện, Vinamilk và Mộc Châu Milk đã chính thức khởi công cho hạng mục “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu” và nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hạng mục Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, đánh dấu cột mốc quan trọng và chính thức bắt tay vào xây dựng tổ hợp "thiên đường sữa" Mộc Châu. Đây là một trong những dự án về nông nghiệp công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và cũng là mô hình “thiên đường sữa” đầu tiên được Vinamilk và Mộc Châu Milk giới thiệu tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamilk kiêm Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk cho biết: “Dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. Tổ hợp dự án với trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa hiện đại, đạt chuẩn quốc tế sẽ là hạt nhân để phát triển ngành sữa địa phương và đưa thương hiệu sữa Mộc Châu ngày càng lớn mạnh. Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tích cực triển khai để xây dựng dự án theo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả bền vững. Tin tưởng rằng với dự án này, một chương mới sẽ được mở ra trong hành trình phát triển của vùng đất “thiên đường sữa” tại Mộc Châu, Sơn La”.
Cũng theo bà Mai Kiều Liên, tổ hợp gồm 2 hạng mục chính. Một là “Trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu” có diện tích quy hoạch 150 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng. Theo đó, trang trại bò sữa công nghệ cao có quy mô đàn 4.000 con bò sữa có vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm làm nguyên liệu cho nhà máy sữa. Trang trại sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị được đầu tư đạt các tiêu chuẩn mới nhất châu Âu, Mỹ…
Bên cạnh đó là khu du lịch, cảnh quan sinh thái đồng cỏ có vốn đầu tư 300 tỷ đồng gồm các công trình dịch vụ tiện ích, văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm tìm hiểu hoạt động chăn nuôi bò sữa góp phần giới thiệu văn hoá, lịch sử, đặc sản của địa phương và quảng bá thương hiệu sữa Mộc Châu. Khu vực đồng cỏ rộng lớn kết nối với trang trại, cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh, chuẩn quốc tế cho đàn bò sữa 4.000 con.
Ở hạng mục 2 là tổ hợp 2 là nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu có diện tích 26 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của nhà máy này là 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1 và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2). Nhà máy được thiết kế mô hình kiến trúc xanh phù hợp với cảnh quan thiên nhiên Mộc Châu; ứng dụng công nghệ 4.0 toàn diện trong hệ thống quản lý và vận hành với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà máy cũng sẽ được đầu tư những công nghệ ưu việt giúp bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo các chỉ tiêu về phát triển bền vững.
Nông nghiệp xanh: cấp thiết và bền vững
Chỉ đạo về việc triển khai dự án, Thủ tướng nhấn mạnh về nhiệm vụ của Vinamilk, Mộc Châu Milk và tỉnh Sơn La: “Thứ nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn, mọi lĩnh vực phải tuần hoàn, kết nối với nhau. Thứ hai là phải phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu rất cao vì cao nguyên Mộc Châu không phải chỉ phát triển chăn nuôi mà chăn nuôi kết nối với du lịch, chăn nuôi kết nối với công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch. Vì vậy, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi là rất cao, chi phí lớn, nhưng tôi tin chắc là Vinamilk sẽ làm được, với tư duy của Anh hùng Lao động Mai Kiều Liên, đã có nhiều năm cống hiến cho ngành sữa, cộng với kinh nghiệm đã làm ở các nơi, tôi tin chắc chắn sẽ làm được tại Sơn La”.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La nhận định: “Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu sẽ trở thành “kỳ quan Tây Bắc”, là một hình ảnh biểu tượng cho thương hiệu sữa Mộc Châu thông qua mô hình sản xuất nông nghiệp và chế biến sữa độc đáo, hấp dẫn của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Không chỉ mang đến bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò sữa và công nghiệp chế biến sữa tại Mộc Châu mà dự án còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, du lịch, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, với mục tiêu xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.”