Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp; ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP; bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP; bà Võ Thị Kim Hồng, Chủ tịch Hội Luật gia TP; cùng nhiều luật sư, trọng tài viên các trung tâm trọng tài thương mại, đại diện doanh nghiệp trên địa bàn TP…
Theo ông Trương Lâm Danh, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển. Ở Việt Nam, hoạt động của trọng tài thương mại đang có những chuyển biến tích cực. Mà bằng chứng cụ thể chính là nhu cầu giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại bằng trọng tài ngày càng tăng cao.
Gần đây, TPHCM đã có “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TPHCM” khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của trọng tài thương mại…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại, lãnh đạo Bộ Tư pháp, các trọng tài viên, Luật sư đều khẳng định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về vị trí, vai trò của trọng tài thương mại. Từ đó nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giúp thay đổi thói quen giải quyết tranh chấp từ cơ quan Tòa án sang tổ chức trọng tài thương mại. Kế đến, cần xây dựng đội ngũ trọng tài viên có đạo đức hành nghề, có trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp. Tiếp đó, xây dựng cơ chế thông tin, liên lạc hỗ trợ giữa các trọng tài viên và những trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn TPHCM…
Nhấn mạnh thêm việc nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại, bà Phan Thị Bình Thuận cho biết, cần có sự phối hợp giữa HCCAA với các cơ quan liên quan như: Sở Tư pháp, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Đoàn Luật sư TP…
Mục tiêu xây dựng cơ chế phối hợp, triển khai hiệu quả “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TPHCM” cũng như đề án của Bộ Tư pháp sau khi được ban hành.