Ra mắt hệ thống học tập trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam
SGGPO
Chỉ cần có thiết bị di động kết nối internet, học sinh khắp mọi miền đất nước đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục hiện đại, rút ngắn khoảng cách tri thức giữa các vùng miền nhờ hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu.
Hôm nay, 27-8, tại Hà Nội, với nỗ lực tiên phong đưa công nghệ hiện đại vào giáo dục, Tập đoàn Công nghệ FPT đã chính thức ra mắt Hệ thống học tập trực tuyến VioEdu (https://vio.edu.vn) – Trợ lý giáo dục thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên tại Việt Nam.
Đây là sản phẩm công nghệ giáo dục (Edtech) đột phá mang lại lợi ích cho học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh và cả nhà trường, trong đó học sinh là đối tượng trung tâm. Theo đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực đang được tập trung đầu tư mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra nhiều tiện ích thiết thực mới cho phương thức dạy và học thời đại số.
Trong vài năm trở lại đây, AI đã tạo nên một cuộc cách mạng cho ngành giáo dục toàn cầu khi dần thay thế vai trò của giáo viên, cá nhân hóa việc học cho học sinh. Tuy nhiên ở Việt Nam, AI còn khá mới và chưa được ứng dụng nhiều. Với việc ra đời VioEdu, FPT kỳ vọng đưa các công nghệ hiện đại nhất, cũng như các phương pháp giáo dục tân tiến nhất vào công tác giảng dạy và học tập, góp phần đổi mới nền giáo dục Việt Nam.
VioEdu là một hệ thống đào tạo trực tuyến dành cho học sinh phổ thông, giúp cá nhân hóa việc học của mỗi học sinh, tiết kiệm 30-50% thời gian và tăng hiệu quả học tập nhờ ứng dụng các công nghệ mới nhất như: trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, mô hình hóa kiến thức theo đồ thị và phương pháp học tập tương thích. Theo đó, quá trình rèn luyện, dữ liệu về hành vi học tập và kiến thức của học sinh sẽ được AI tổng hợp, phân tích, từ đó tìm ra được điểm mạnh cũng như lỗ hổng kiến thức của học sinh để đề xuất lộ trình học tập phù hợp với năng lực của mỗi em. Nhờ vậy, từng kỹ năng tùy theo tính chất sẽ được trau dồi hoặc phát huy một cách riêng biệt, thông minh, giúp các em học tập đúng trọng tâm, không dàn trải. Qua quá trình thử nghiệm với 2.000 học sinh tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, đã có 73,8% học sinh tiến bộ rõ rệt sau khoảng 3-6 tháng học tập trên VioEdu (theo đánh giá khách quan độc lập của giáo viên trực tiếp giảng dạy).
Phó Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Nguyễn Ngọc Minh giới thiệu hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu. Ảnh: T.B.
Ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, nội dung các bài học trên VioEdu được xây dựng và phát triển bởi đội ngũ những nhà giáo ưu tú và chuyên gia giáo dục đến từ các Sở GD-ĐT và các trường đại học, bám sát chương trình học của sách giáo khoa Việt Nam. Đồng thời, hình thức thể hiện bài giảng trực quan sinh động, được xây dựng như trò chơi với các phần thưởng mang tính khích lệ, tạo niềm ham thích học tập cho các em. Chỉ cần có thiết bị di động kết nối internet, học sinh khắp mọi miền đất nước đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục hiện đại, rút ngắn khoảng cách tri thức giữa các vùng miền nhờ hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu.
Hiện hệ thống đã có hơn 400 video bài giảng sinh động, hơn 100.000 nội dung kiến thức giảng dạy môn Toán dành cho học sinh tiểu học. Trong lộ trình phát triển sản phẩm, VioEdu sẽ phủ toàn bộ nội dung kiến thức các cấp môn Toán tiếng Việt, tiếp đó mở rộng sang Toán tiếng Anh, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, và STEM.
Dựa vào những phân tích trên hệ thống, phụ huynh có thể theo dõi chặt chẽ quá trình rèn luyện của học sinh nhờ báo cáo thống kê chi tiết. Bố mẹ có thể sử dụng học liệu của VioEdu để hỗ trợ con tự học.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng phát triển các chức năng quản lý hoạt động dạy và học cho nhà trường và thầy cô giáo. Việc ứng dụng VioEdu giúp giảm tải 95% việc giao đề luyện tập, tiết kiệm thời gian chấm bài cho giáo viên đứng lớp, giúp các thầy cô giáo có thời gian kiểm soát tình hình học tập của lớp, tập trung vào điểm mạnh và sở thích của từng học sinh.
Về phía nhà trường, ban giám hiệu có thể quản lý toàn diện hoạt động dạy và học trong trường, dễ dàng nắm bắt chất lượng giáo viên và học sinh, đồng thời tạo được kết nối trực tiếp với phụ huynh qua kênh học tập này.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia BÌnh phát biểu tại buổi lễ và cam kết FPT sẽ tiếp tục đầu tư lớn, sâu cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, nhất là những công nghệ giáo dục mới, hiện đai. Ảnh: T.B.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, với xuất phát điểm là những người học toán, FPT thấy rằng việc khiến cho các em học sinh yêu thích vẻ đẹp môn Toán là một nhiệm vụ. Cách đây 11 năm, với mong muốn khuyến khích việc học tập, nâng cao tính tự giác của bạn trẻ đối với môn Toán, FPT đã phát động cuộc thi Violympic. Ý tưởng là biến môn học khó thành trò chơi, lôi cuốn các bạn. Violympic đã được sự ủng hộ đông đảo của học sinh cả nước và đã có gần 30 triệu học sinh hào hứng tham gia Violympic trong 11 năm qua.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, giáo dục là lĩnh vực đầu tiên cần tập trung phát triển nếu muốn Việt Nam tận dụng cơ hội bứt phá. Trong cuộc cách mạng này, hầu hết các quốc gia đều xuất phát trên cùng 1 vạch, do đó tốc độ là yếu tố quyết định. Nền giáo dục Việt Nam có thể ganh đua với thế giới bằng cách nào, với tốc độ nào để khai thác sức mạnh của công nghệ? Công nghệ 4.0 đã phá vỡ giới hạn đó. Học tập trở thành cuộc tìm kiếm kho báu của mỗi cá nhân, với sự truyền cảm hứng, dẫn dắt của thầy cô và chia sẻ kiến thức chung với đồng đội. Công nghệ cho phép làm được điều đó. Hệ thống VioEdu bắt đầu dạy và học theo đúng cách này.
Theo ông Trương Gia Bình, “học ít, hiểu nhiều” là hiển nhiên; học những thứ chính mình cần. Việc học trở nên hấp dẫn hơn, học sinh có thể học tập, tìm tòi sáng tạo không giới hạn. Các thầy cô có sứ mệnh quan trọng là đặt vấn đề lớn, truyền cảm hứng để các bạn tự tin rằng có thể giải quyết vấn đề, trở nên hữu ích với tất cả mọi người. Còn lại, máy móc có thể giúp đỡ các thầy cô giáo, cung cấp thông tin để thầy cô giáo hướng dẫn học sinh đúng hướng. Phụ huynh theo dõi được sự nhiệt tình học tập của các con. Hứng thú học tập phải đi đôi với kỷ luật học tập. Con đường của các nhà giáo dục và các nhà công nghệ còn dài, để sao cho các em thực sự được hưởng niềm vui vươn lên trong trí tuệ.