Trong đó, biểu trưng có hình dạng chủ đạo là hình ảnh bàn tay ở vị trí trung tâm tượng trưng cho đôi bàn tay tài hoa của người nông dân Chợ Lách, kế thừa và phát huy lịch sử, văn hóa tạo nên giá trị từ kinh tế nông nghiệp, giữ gìn tài nguyên, sản vật trù phú của địa phương.
Bàn tay nâng biểu tượng bốn chiếc lá, lồng ghép hình ảnh đặc trưng về nghề trồng hoa giấy, nghề làm mai, trồng cúc mâm xôi và nghề làm cây giống, tượng trưng cho 4 xã thuộc Làng VHDL Chợ Lách. Khẩu hiệu của Làng VHDL Chợ Lách là: “Tình đất, tình người”, ngoài ra còn có fanpage Facebook, kênh Youtube và website quảng bá về Làng VHDL Chợ Lách.
Dịp này, huyện Chợ Lách cũng triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách, dự kiến được tổ chức từ ngày 8 đến 12-1-2025 với các hoạt động phong phú nhằm tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng huyện Chợ Lách. UBND huyện Chợ Lách cũng phát động cuộc thi “Cổng đẹp, rào xanh”, phát động phong trào “Nhà nhà dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, bộ nhận diện thương hiệu Làng VHDL Chợ Lách không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo mà còn góp phần giúp huyện giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa, lịch sử, con người và cảnh quan của Chợ Lách.
Qua đó, sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững. Chủ tịch Trần Ngọc Tam yêu cầu UBND huyện Chợ Lách tập trung, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng Làng VHDL, chủ động quảng bá, kêu gọi đầu tư để hiện thực hóa đề án.
Làng VHDL Chợ Lách có tổng diện tích gần 1.500ha, gồm 4 ấp thuộc 4 xã của huyện Chợ Lách là: Vĩnh Nam (Vĩnh Thành), Đông Kinh (Vĩnh Hòa), Lân Đông (Phú Sơn), An Hòa (Long Thới). Làng VHDL Chợ Lách được xây dựng góp phần phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, phục vụ khách tham quan, mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.