Ra mắt bản anh hùng ca về tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt

Tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện (NXB Tổng hợp TPHCM) của nhà văn Trần Bảo Định được ví như bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt khi chứa đựng trong đó chiều dài lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc.

Nhà văn Trần Bảo Định được bạn đọc nhớ đến với tên thân thuộc là “Ông già Nam bộ nhiều chuyện”. Đến với Đất Việt trời Nam liệt truyện, ông đã lần lượt khơi lại lịch sử từ dân gian trên vùng đất Nam bộ qua nhiều thời kỳ khác nhau. Bộ truyện gồm ba tập Thượng (246 trang), Trung (280 trang) và Hạ (324 trang).

Nếu như tập Thượng (hồi thứ nhất) từ năm 1620... là thời kỳ mở mang và thống nhất giang sơn thì tập Trung (hồi thứ hai) từ năm 1859... là thời kỳ giữ gìn và bảo vệ xứ sở, đến tập Hạ (hồi thứ ba) từ năm 1900... là thời kỳ chuyển biến và tái kết nối đứt gãy văn hóa bởi cuộc xâm lược của thực dân Pháp để nối liền mạch sống giống nòi.

IMG_20240830_153350.jpg
Tuyển tập "Đất Việt trời Nam liệt truyện" tiếp tục là nguồn cảm hứng về Nam bộ của nhà văn Trần Bảo Định

Đất Việt trời Nam liệt truyện là tuyển tập các truyện ngắn dân gian được xem như bộ sử thi anh hùng; phản ánh một cách bao quát và sâu sắc những biến động thời đại, khơi sáng vẻ đẹp tâm hồn và khí phách của nhân dân Nam bộ hơn ba trăm năm mở mang bờ cõi, bảo vệ và phát triển quê hương. Người bình dân Nam bộ cũng trực tiếp góp phần tái kết nối mạch sống dân tộc Việt Nam trên phương diện lịch sử và văn hóa nghệ thuật.

Trong tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện, hình tượng nhân vật nữ chiếm vị trí đáng kể. Đó là công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa, mẹ và vợ của Nguyễn Đình Chiểu, mẹ của Đỗ Trình Thoại, mẹ của Trần Xuân Hòa, cô Sáu Sanh, cô Hai Rái... Tất cả đều làm nổi bật vai trò và tôn vinh người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung trong công cuộc mở mang bờ cõi và đấu tranh bảo vệ đất nước.

Tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện giúp bạn đọc nhận ra tâm hồn và khí phách người bình dân Nam bộ: không phải giống chim phượng trong lý tưởng vương quyền mà là loài chim sẻ trên đồng ruộng nắng vàng phương Nam; cũng không phải thần long uốn lượn trời xanh mà là con trùn đất cày xới, vun bồi đại địa. Qua tác phẩm, bạn đọc sẽ nghe thấy âm vang tiếng nói hào sảng, cảm khái tính cách phóng khoáng và phẩm chất nhân nghĩa thủy chung của người bình dân châu thổ Cửu Long. Đây vừa là bản trường ca vừa là bản tráng ca mà cũng là khúc dân ca thấm đượm hương vị nắng gió chan hòa của đất đai xứ sở Nam bộ xưa nay.

Ngày nay, chúng ta tự hào và hạnh phúc vì đang sống trong nền hòa bình, độc lập và tự do mà biết bao thế hệ tiền nhân đã bền bỉ đấu tranh, không quản ngại hy sinh để giữ vững chủ quyền đất nước Việt Nam. Bởi, tình yêu với đất nước là tình cảm thiêng liêng nhất và tình yêu này sẽ tiếp nối, trường tồn đến muôn đời sau.

Tin cùng chuyên mục