Bà Tùng Long (1915-2006) tên thật là Lê Thị Bạch Vân, chuyên viết truyện tâm lý tình cảm với hàm ý giáo dục đạo đức trong gia đình, cổ vũ mọi người vươn lên, sống lý tưởng, thanh cao. Truyện của bà giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên được in trên Báo Sài Gòn mới: Đứa con hoang (khi in sách Ái tình và danh dự), Bà Tùng Long đã để lại gia tài đồ sộ gồm 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn. Sáng tác của bà là những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống hằng ngày về quan hệ gia đình, thân phận người phụ nữ, trách nhiệm của đàn ông và đàn bà trong đời sống… được chuyển tải bằng văn phong giản dị, dễ hiểu.
Vào năm 2019, NXB Trẻ đã in 10 tác phẩm của Bà Tùng Long (trong đó có ba tác phẩm chưa bao giờ xuất bản), được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Riêng 6 tác phẩm vừa được giới thiệu, gồm: Tình yêu và thù hận, Hồng nhan đa truân, Nghĩa tình ràng buộc, Người của oán thù, Một thoáng mây bay, Hành trang vào đời, đều là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) đã đăng trên các báo trước năm 1975.
Tiêu biểu cho 6 tác phẩm được ra mắt dịp này là Nghĩa tình ràng buộc, kể về hai nhân vật Huệ và Mộng Lan, cùng được sinh ra và lớn lên dưới một mái nhà nhưng ở hai vị trí khác nhau: Mộng Lan là cô chủ, Huệ trong thân phận người giúp việc. Huệ khỏe mạnh, năng động bao nhiêu thì Mộng Lan gầy yếu, mong manh bấy nhiêu. Những biến cố ồ ạt ập đến đã vô tình xoắn bện vận mệnh của hai người con gái theo những cách không ngờ. Rốt cuộc, chỉ có nghĩa tình mới là mối dây vững chắc nhất cho người ta níu lấy giữa bao nghịch cảnh...
Bên cạnh đó, Người của oán thù cũng là tác phẩm ấn tượng khi phơi bày một xã hội mà ở đó lòng người đã thành tan hoang khi cơn lốc kim tiền ập đến cuốn trôi những ràng buộc đạo đức, lễ giáo mong manh. Một cô Hồng cố gìn giữ nếp nhà mà cô hằng ngưỡng vọng nhưng càng lúc càng trở nên trơ trọi, yếu đuối và bất lực.
Trong khi đó, nhân vật Thu lại bất chấp và khinh ghét mọi thứ quy tắc đạo đức và bổn phận nên sống đố kỵ, thù oán và buông thả lại chứa đựng một sức mạnh hủy hoại ghê gớm… Dường như đó là hệ quả tất yếu của một thế hệ đã phải sống với quá nhiều sự kìm kẹp, bổn phận để rồi khi ra sức phá bỏ, dẫm đạp nó họ chẳng biết làm gì với tự do mà mình có.