Buổi ra mắt có sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà văn Lê Minh Quốc, nhà văn Bích Ngân, đạo diễn Hồ Ngọc Sum, nhà văn Đoàn Thạch Biền,...
Bà Tùng Long là bút hiệu nổi tiếng của nữ văn sĩ Lê Thị Bạch Vân (1915 - 2006) nổi tiếng với các tiểu thuyết tâm lý xã hội ở miền Nam với lối viết giản dị, mộc mạc.
Trong sự nghiêp viết lách của mình, Bà Tùng Long để lại hơn 400 truyện ngắn, 60 tiểu thuyết. Tuy vậy, cây bút này không bao giờ nhận mình là nhà văn, hay một nghệ sĩ. Bà xem mình đơn giản chỉ là người kể chuyện.
Bà từng chia sẻ "Viết văn là niềm vui lớn nhất đời tôi". Các tác phẩm của bà phần lớn đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu cao đẹp. Về bút danh Bà Tùng Long, bà từng giải thích: "Các vị nho học của chúng ta có câu "Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ" nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp. Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt."
"Qua sông ta gọi con đò
Lòng ta như nắm chỉ vò trên tay
Lìa quê từ ấy đến nay
Biết rằng cảnh có như ngày ra đi?
Sông xanh trăng bạc từ khi
Bây giờ lại chiếu mặt mày cố nhân
Ngậm ngùi thân lại tủi thân
Bốn phương nặng nợ, mười ân lỗi nghì..."
Nhắc tới người mẹ của mình, Nguyễn Đông Thức đã không khỏi xúc động và nhắc lại bài thơ mà ông đã thuộc nằm lòng, bài thơ mà ngày trước mẹ ông vẫn đọc cho ông nghe mỗi tối.
Nguyễn Đông Thức chia sẻ việc mấy tháng trước ông tìm ra vài bản thảo tiểu thuyết của mẹ mình chưa hề in sách. Đây là những mẩu truyện nhiều kỳ đã đăng trên các báo, và chính tay nhà văn Nguyễn Đông Thức ngồi cắt và kẹp lại từng bộ, vì sao chưa được in thì không nhớ nổi. Nhà văn Nguyễn Đông Thức mang việc tìm ra những bản thảo của mẹ mình kể lại với Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt. Ông Nhựt ngỏ ý mua lại bản quyền bộ sách và xuất bản, đồng thời nhờ Nguyễn Đông Thức viết lời tựa cho bộ sách.
Nhà xuất bản Trẻ đã rất cố gắng để ra mắt sách đúng vào ngày sinh nhật nữ nhà văn – ngày 1-8. Các tác phẩm của Bà Tùng Long ra mắt mang tên: Đường tơ đứt nối, Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió, Bóng người xưa, Người xưa đã về, Đời con gái, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Con đường một chiều.
Ông Nguyễn Minh Nhựt còn bày tỏ, với ông, sách như mang một giá trị tâm linh, một cái duyên lạ mà chỉ khi nhà xuất bản quý trọng sách thì sách hay mới tự tìm đến với mình. Có thể nói, ý tưởng xuất bản 10 quyển sách chỉ được lóe lên vào cuối tháng 6, ấy thế mà buổi ra mắt sách đã diễn ra ngay sau đó chưa đầy 1 tháng, "đây chính là một kỳ tích mà chỉ những ai mang nặng cái tâm với tác phẩm mới có thể hoàn thành được".
Cũng nhờ ngồi đọc lại các bản thảo của mẹ mình, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nhận ra là cách đây hơn 60 năm, lúc số nhà văn nữ ở Việt Nam còn đếm trên đầu ngón tay và xã hội vẫn còn nặng nếp sống phong kiến trọng nam khinh nữ thì những câu chuyện kể của mẹ ông đã có một cái nhìn rất mới, tân tiến, nhân bản, luôn bênh vực, đề cao người phụ nữ. Trong khi xã hội thời xưa coi việc "không chồng mà chửa" là một sự xấu xa, nhục nhã phải lên án thì các nhân vật nữ trong truyện của nữ nhà văn luôn bản lĩnh, tự lập, không vì thế mà đánh mất lòng tự trọng. Các nhân vật nữ trong truyện của Bà Tùng Long còn là những người luôn sống tốt, yêu thương và hy sinh cho chồng con, chịu khó lao động, tích cực mưu tìm hạnh phúc cho gia đình, cá nhân, bất chấp những ràng buộc lễ giáo lạc hậu... Có lẽ nhờ vậy mà truyện của Bà Tùng Long đã được giới nữ miền Nam thời ấy yêu thích đến vậy. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã bày tỏ rằng ông luôn tự hào mình là một người viết cần cù và bền bỉ, tới giờ đã gần 70 tuổi vẫn viết đều đặn hàng ngày, vậy mà so với má của mình, ông luôn thấy mình quá nhỏ bé. "Tôi viết văn chỉ để nuôi con", Má luôn nói như thế mỗi khi trả lời phỏng vấn, và sự thật đúng như vậy. Má đã nói về một công việc to lớn và nặng nề như núi bằng một câu nói khiêm tốn và nhẹ nhàng như mây! |