Sứa biển được ngư dân ở một số vùng ví von như “vàng trắng” của biển. Mùa sứa thường bắt đầu từ tháng Giêng nhưng chính vụ vào tháng 2 và đặc biệt vào tháng 3, 4 khi thời tiết tăng nhiệt, nắng nóng.
Thời gian này, dọc các làng biển ở huyện Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa); huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An),… song song với đánh bắt cá trích, nhiều bè mảng chuyển sang đánh bắt sứa.
Mỗi ngày, ngư dân ra khơi từ khoảng 3-4 giờ sáng, đến khoảng 7-8 giờ về chuyến đầu tiên, sau đó tiếp tục đi chuyến thứ 2. Bình quân một bè mảng mỗi chuyến đánh bắt được 2-3 tạ, thời điểm trúng có thể 4-5 tạ. Giá sứa được bán ngay tại bãi biển, tại bến dao động từ 20.000 đồng/con đến 25.000 đồng/con tùy loại lớn nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Nam (thôn 10, xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, đánh bắt sứa vất vả hơn đánh bắt cá trích, tép biển vì thân sứa nặng trong khi phải đảm bảo sứa được giữ cho lành lặn, nguyên con. Đổi lại với việc cực nhọc thì nhu cầu tiêu thụ sứa vào mùa hè lớn, bán chạy nên người làm nghề biển cũng thấy vui.
Anh Lê Phạm Thao, chủ một cơ sở chế biến sứa tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, sứa biển có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu tiêu thụ rất lớn vào mùa hè nắng nóng. Toàn bộ cơ thể sứa đều có thể chế biến thành thực phẩm, nhưng giá trị nhất là chân sứa. Sau khi đánh bắt về sứa được sơ chế tách từng phần chân, tay, thân; tiếp đó dùng hệ thống máy khuấy đánh từ 8-9 tiếng cho sạch nhớt, sau đó ngâm trong bể muối từ 7-10 ngày. Khi độ mặn đạt khoảng 20% là đạt yêu cầu để cho ra miếng sứa sạch, trong, khi chế biến món ăn sẽ dai, giòn. Sứa không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng.