Thuế TNCN thừa, không được chuyển cho người khác
Trường hợp thường xuyên xảy ra là nhân viên người nước ngoài nhận thu nhập 2 nơi, bao gồm tại Việt Nam và nước ngoài. Để đảm bảo thu thuế, công ty chi trả thu nhập trong nước đã kê khai đầy đủ tổng thu nhập toàn cầu (cả 2 nơi) của nhân viên, vậy khi làm quyết toán thuế hàng năm, công ty có thể quyết toán thuế cho cá nhân người nước ngoài đó không, vì có thể người này sẽ chuyển sang làm việc ở nước khác trước thời điểm quyết toán thuế năm.
Lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì cá nhân có nguồn thu nhập 2 nơi phải tự mình thực hiện quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế, tổ chức trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức trả thu nhập. Tuy nhiên, do cá nhân người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục quyết toán thuế lại phải xuất cảnh thì có thể ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự cho đơn vị trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế thay, nếu tổ chức, cá nhân đó cam kết chịu trách nhiệm với cơ quan thuế về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quy định.
Một nhân viên người nước ngoài làm việc ngân hàng thường có nhiệm kỳ làm việc 2-3 năm và năm cuối cùng của nhiệm kỳ thường kết thúc vào ngày cuối năm hoặc ngày 31-3 hàng năm. Nhưng theo định nghĩa về cá nhân cư trú trong năm dương lịch cuối cùng, các cá nhân này đáp ứng đủ điều kiện về thẻ tạm trú, có hợp đồng thuê nhà trên 90 ngày nhưng không đáp ứng điều kiện về thời gian cư trú, (vì dưới 183 ngày). Do vậy, các ngân hàng rất băn khoăn về cách quyết toán thuế đối với năm cuối, vì không biết phải áp dụng mức thuế suất cho cá nhân cư trú hay không cư trú.
Cục Thuế TP đã viện dẫn Điều 1, Điều 18 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về trường hợp cá nhân người nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày tính trong một năm dương lịch, có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn của các hợp đồng thuê dưới 183 ngày trong năm tính thuế thì xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương trong năm khi rời Việt Nam được tính thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20% và không phải quyết toán thuế.
Tuy nhiên, ngân hàng thắc mắc có trường hợp khi quyết toán thuế cho người nước ngoài mà được hoàn thuế nhưng người đó đã rời Việt Nam thì số tiền hoàn thuế đó ai hưởng, ngân hàng có giữ bù trừ vào tài khoản của ngân hàng hay không…
Trả lời câu hỏi này, cơ quan thuế đã căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Điều 53 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế, hoặc bù trừ với số thuế phải nộp kỳ tiếp theo của người nộp thuế, không bù trừ với số thuế phải nộp của người nộp thuế khác. Do vậy, nếu cá nhân nước ngoài làm việc tiếp thì được bù trừ vào số thuế của chính họ, chứ không được chuyển bù trừ cho ngân hàng.
Bán voucher, không xuất hóa đơn cho khách hàng là sai
Lâu nay, việc xuất hóa đơn mua bán hàng qua mạng xảy ra nhiều tranh chấp. Cụ thể, một công ty cung cấp dịch vụ sàn giao dịch kinh doanh thương mại (bán lẻ) thường xuất bán voucher cho đối tác, rồi khách hàng sử dụng voucher cũng đòi hóa đơn thì phải xử lý thế nào. Vì thường công ty và đối tác (bên mua voucher) có thỏa thuận rằng công ty sẽ xuất hóa đơn cho đối tác lúc xuất bán voucher, trên voucher có đóng mộc “đã xuất hóa đơn” thì công ty không thể xuất hóa đơn khi khách hàng sử dụng voucher để mua hàng nữa mà chỉ lập danh sách hàng hóa được thanh toán bằng các voucher đó làm chứng từ đính kèm với hóa đơn đã xuất cho đối tác mua vouchers. Nhưng nếu không xuất hóa đơn cho khách hàng - người trực tiếp sử dụng dịch vụ, thì công ty có vi phạm pháp luật hay không…
Trả lời vấn đề này, cơ quan thuế cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và điểm a khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì trường hợp công ty ngoài cung cấp dịch vụ sàn giao dịch có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại (bán lẻ), có bán voucher cho khách hàng thì voucher đối với công ty là giấy xác nhận được sử dụng thanh toán với giá trị tương đương theo số tiền ghi trên phiếu nên khi phát hành voucher, công ty chỉ lập chứng từ thu, không lập hóa đơn giá trị gia tăng. Khi khách hàng sử dụng voucher (xác định cụ thể hàng hoá, dịch vụ mua) thì công ty mới lập hóa đơn giá trị gia tăng xuất giao cho khách theo quy định.
Việc công ty và đối tác (bên mua voucher) có thỏa thuận công ty xuất hóa đơn cho đối tác khi xuất bán voucher, trên voucher có đóng mộc “đã xuất hóa đơn” là không phù hợp với quy định.