Đó là định hướng lớn để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong quý 1-2023.
3 năm gần đây, vấn đề “cải thiện môi trường đầu tư” đã được thành phố đưa vào chủ đề năm, xem đây là một giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển thành phố. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố trên lĩnh vực này đã được thể hiện rất rõ, nhưng thực tế còn nhiều yếu tố khách quan tác động.
Trước hết, dịch bệnh là thách thức lớn, mang tính toàn cầu và thành phố chịu tác động không nhỏ. Tương tự là một số biến động phức tạp về tình hình kinh tế thế giới. Biểu hiện chung là giá nhiên liệu tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động bình thường của thị trường bị gián đoạn, lãi suất ngân hàng tăng… TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đang hội nhập ngày càng sâu rộng thì sự ảnh hưởng cũng ngày càng lớn. Có nhìn nhận rõ những yếu tố này thì mới thấu rõ nỗ lực của thành phố trong suốt nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng bộ thành phố vừa qua.
Tuy nhiên, việc lặp lại nội dung “cải thiện môi trường đầu tư” trong chủ đề 3 năm liên tục đã phần nào cho thấy yêu cầu này trên thực tế chưa được thực hiện đầy đủ và mang lại hiệu quả cao như mong muốn, mà chính những nguyên nhân chủ quan có tác động không nhỏ.
Chẳng hạn, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM năm 2020 và 2021 chỉ được xếp khá và đứng hạng 14/63 tỉnh, thành, tuy không tụt hạng nhưng bị giảm mức đánh giá từ tốt xuống khá (so với năm 2019). Hay về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của TPHCM thuộc nhóm 15 địa phương có số điểm thấp nhất và giảm so với năm 2020. Trong năm 2021, ngoài 2 yếu tố là “cung ứng dịch vụ công” và “quản trị môi trường” tăng nhẹ, còn lại 6 yếu tố đều giảm điểm; trong đó, giảm mạnh nhất là “trách nhiệm giải trình với người dân” và “thủ tục hành chính công”…
Tác động của các chỉ số này dĩ nhiên không phải chỉ trong một vài năm và để cải thiện các chỉ số cũng không phải trong ngắn hạn. Vấn đề hiện nay của thành phố là phải thực sự tháo gỡ các vướng mắc, các điểm nghẽn. Ví dụ, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (năm 2022 là 71,3%, thấp hơn mức trung bình cả nước là 80,63%), cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân để tìm đúng giải pháp, như: việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công đã bảo đảm chưa, việc đề xuất quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể đã được triển khai như thế nào, việc hoàn thành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả cho người dân đã được thực hiện đầy đủ tới đâu…
Hay việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, nhất là “tham nhũng vặt”, cần phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Thời gian qua, việc áp dụng giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ nhưng cần được rà soát kỹ xem địa phương hay ngành, lĩnh vực nào chưa đáp ứng đầy đủ. Vấn đề hiệu quả hoạt động công vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức cần phải được nâng cao thế nào, từ việc cải thiện môi trường công vụ, cải cách thủ tục hành chính cho đến nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức và trách nhiệm giải trình trước người dân trong việc thực thi công vụ…
TPHCM đã được Trung ương quan tâm, tạo điều kiện bằng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sắp tới sẽ có nghị quyết mới của Quốc hội thế Nghị quyết 54. Các chủ trương, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển nhưng chắc chắn đó không phải là “đũa thần” để thay đổi toàn diện và tức thì các vấn đề của thành phố. Thành phố phải khắc phục các vấn đề nội tại của chính mình để phát huy các chủ trương, chính sách đó.
Do vậy, dù thời gian qua TPHCM đã quyết liệt hành động, tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển thì hiện nay cần quyết liệt, tập trung hơn nữa.