Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đã giới thiệu một số tiềm năng, lợi thế trong giai đoạn phát triển mới của huyện Vĩnh Thạnh. Huyện Vĩnh Thạnh là vùng đất mới phát triển ở Bình Định, tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm năm 2023 đạt 5,27%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, thu ngân sách địa bàn đạt 131,9% kế hoạch.
Năm 2023, chỉ số giải ngân vốn đầu tư công Vĩnh Thạnh đạt tỷ lệ rất cao, trên 99%. Với nhiều tiềm năng hội tụ như đất đai, khí hậu, tài nguyên, cũng như nguồn lực lao động, vừa qua Vĩnh Thạnh đã bắt đầu thành lập 1 cụm công nghiệp, thu hút được 16 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.
Về văn hóa, Vĩnh Thạnh chủ yếu có 2 dân tộc Kinh và Ba Na sinh sống đan xen, đoàn kết. Trong đó, văn hóa người Ba Na ở đây đang phát triển rất tốt, nhiều cộng đồng vẫn đang tiếp tục gìn giữ, phát huy các bản sắc đặc trưng và rất quan tâm đào tạo, truyền thừa thế hệ kế cận.
Xác định là huyện còn khó khăn, ông Trung nhấn mạnh, nhiều năm qua tập thể lãnh đạo địa phương luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó việc đề ra mục tiêu hoàn thành Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh 2035 được địa phương đặc biệt quan tâm, kỳ vọng.
“Chúng tôi xác định, quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của nhiệm kỳ này. Thông qua quy hoạch này, huyện có định hướng, sắp xếp lại không gian phát triển…”, ông Trung nói và cho biết thêm, sản phẩm quy hoạch vùng của huyện là thành quả của một quá trình nỗ lực, cố gắng và sự tâm huyết, trí tuệ tập thể huyện.
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài huyện quan tâm đến nghiên cứu, thực hiện các dự án giúp huyện phát triển. Các dự án quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư cao sẽ góp phần thúc đẩy huyện Vĩnh Thạnh phát triển, hoàn thành hiệu quả quy hoạch và mục tiêu trở thành trung tâm sinh thái vùng của Bình Định.
Ông Trung cũng cho biết, các ngành nghề Vĩnh Thạnh thu hút đầu tư, gồm: tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Tà Súc để đẩy nhanh thu hút các dự án công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến, công nghiệp nhiên liệu; thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống dịch vụ, thương mại kết hợp khu dân cư có chất lượng…
Hình hài phát triển mới
Tại buổi lễ, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh này công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035.
Mục tiêu đồ án nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch tỉnh Bình Định, với chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các chủ trương, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa.
Đến 2035, huyện Vĩnh Thạnh sẽ là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa lịch sử; phát triển công nghiệp khai khoáng. Tương lai, Vĩnh Thạnh là vùng có tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ đặc biệt về cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững toàn tỉnh Bình Định…
Dự báo chỉ tiêu phát triển dân số, đến năm 2035, dự kiến dân số Vĩnh Thạnh 39.250 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 39%, quỹ đất xây dựng đô thị 550ha, đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn 750ha…
Định hướng phát triển không gian vùng, thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa sẽ là phân vùng I giữ vai trò trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế tổng hợp của huyện.
Phân vùng II, phân vùng sinh thái nông nghiệp gồm các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo, cùng phát triển nông lâm nghiệp kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu sắn, nguyên liệu gỗ, chăn nuôi công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản nước ngọt khai thác tiềm năng ở các hồ đập nước ngọt kết hợp với du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, thủy điện tích năng).
Phân vùng III, các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ổn định môi trường phòng hộ đầu nguồn; phát triển kinh tế rừng kết hợp du lịch...