Nhất là trong bối cảnh hàng loạt chương trình đổi mới trước đó như mô hình trường học mới (VNEN), công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đều gặp nhiều phản ứng trái chiều từ xã hội dẫn đến thu hẹp phạm vi thực hiện.
Còn nhớ cách đây 7 năm khi lần đầu tiên triển khai chương trình mô hình trường học mới tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đánh giá tác động tích cực của VNEN đối với học sinh như tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất; xây dựng các kỹ năng ứng xử, kỹ năng xã hội; cải thiện khả năng giao tiếp và thúc đẩy tính sáng tạo.
Năm học 2015-2016, cả nước có trên 3.700 trường tiểu học và 1.600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình. Đầu năm học 2017-2018, số lượng này tăng lên với 4.800 trường tiểu học tại 58 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 18% học sinh tham gia và 1.500 trường THCS tại 51 tỉnh, thành tham gia với tỷ lệ 13% học sinh.
Tuy nhiên, cũng trong năm học này, hàng loạt địa phương đã quyết định dừng triển khai thực hiện mô hình như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Đắk Lắk…
Nguyên nhân được chỉ ra là do các địa phương chưa dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, không tính toán đầy đủ quy mô trường lớp, sĩ số học sinh trong lớp chưa phù hợp với phương pháp dạy học mới... Như vậy, vấn đề không nằm ở chương trình mà ở cơ sở vật chất và nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo tinh thần mới.
Trở lại với chương trình GDPT mới, không khó để nhận ra một số điểm tương đồng với mô hình VNEN. Cụ thể, cả 2 làn gió mang tên đổi mới đều hướng đến mục tiêu xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại. Hoạt động của học sinh được xem là trung tâm của quá trình dạy học.
Giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, quan tâm sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh, giúp các em xây dựng môi trường học tập cởi mở, thân thiện và hiệu quả.
Đội ngũ biên soạn chương trình GDPT mới cũng nhiều lần khẳng định có tiếp thu một số ưu điểm của mô hình trường học mới. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ngành giáo dục đã có rút kinh nghiệm gì từ những lần “ngã xe” trước đó? Liệu chăng với cuộc đổi mới toàn diện lần này, những tồn tại cũ như sự quá tải về cơ sở vật chất, áp lực sĩ số, hạn chế về năng lực, trình độ giáo viên có lần nữa lặp lại, trở thành lực cản quyết tâm đổi mới?
Thêm vào đó, kinh nghiệm qua nhiều lần thăng, trầm của ngành giáo dục cho thấy, quyết tâm đổi mới thôi chưa đủ, chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần cho giáo viên.
Bởi một khi người dạy còn vướng bận quá nhiều tâm lý nặng nề như có bị mất việc không khi sắp xếp lại đội ngũ giảng dạy, thích ứng ra sao trước những đòi hỏi mang tính cạnh tranh như tăng cường kỹ năng quản lý và tổ chức lớp, trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ… thì chương trình dù hay cách mấy cũng khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Tiếc là hiện nay công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Sự chuẩn bị về đội ngũ ở các địa phương mới dừng ở việc thống kê tình hình giáo viên dạy lớp 1 - khối lớp đầu tiên bắt đầu áp dụng chương trình GDPT mới.
Thời gian chuẩn bị còn lại không nhiều, cơ quan chủ quản còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, nếu không sớm bắt tay thực hiện sẽ lại rơi vào cảnh đổi mới chắp vá, đánh rơi niềm tin của xã hội.