Tháng 9 vừa qua, một sĩ quan quân đội đã bắn chết 2 đồng nghiệp tại một trường cao đẳng quân sự ở Bangkok. Hồi tháng 2-2020, một người lính bất mãn đã bắn chết 29 người tại một trung tâm mua sắm và một căn cứ quân sự. Sau mỗi vụ việc đau thương, các quan chức quân sự cấp cao đều đã kêu gọi lập tức tiến hành một cuộc đại tu về chính sách súng đạn, nhưng sau đó do tình hình chính trị thay đổi nên vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Giờ đây, vấn đề kiểm soát súng đạn đang trở nên cấp bách ở Thái Lan nhằm hạn chế thấp nhất những thảm kịch. Tỷ lệ sở hữu súng ở Thái Lan hiện khá cao so với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nhiều vũ khí do các nhóm buôn lậu tuồn vào từ các quốc gia có xung đột.
Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan, Tướng Damrongsak Kittiprapas tuyên bố, các sĩ quan cảnh sát và quan chức chính quyền nếu bị tố cáo có hành vi hay cư xử quá khích sẽ bị thu hồi súng. Những quan chức bị phàn nàn về lối hành xử và cả những quan chức đã nghỉ hưu nhưng có hành vi bị xem là quá khích cũng sẽ nằm trong diện bị thu hồi vũ khí mà chính phủ đã cấp cho họ.
Cũng theo kế hoạch, những trường hợp xin giấy phép sở hữu súng trước hết phải có chứng nhận sức khỏe tâm thần tốt, còn những người đã có giấy phép sở hữu súng sẽ phải trải qua các đợt kiểm tra sức khỏe tâm thần ngẫu nhiên. Tướng Damrongsak cho biết thêm, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ triệu tập một cuộc họp vào giữa tuần này với các đơn vị liên quan để thảo luận về những biện pháp kiểm soát súng đạn.
Trước đó, vào ngày 10-10, ông Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật thắt chặt những quy định về sở hữu súng, đồng thời trấn áp tội phạm và người sử dụng ma túy, kể cả việc chủ động tìm kiếm, kiểm tra việc sử dụng ma túy trong giới quan chức.