Nợ công cao, công tác cán bộ nhiều bất cập
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội; báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.
Thông qua việc tập hợp trên 2.300 ý kiến cử tri cả nước, có thể thấy nhiều lo lắng của cử tri đã kéo dài từ kỳ họp này sang kỳ họp khác. Chẳng hạn, cử tri lo nợ công cao, khi mà đến hết năm 2015 đã vượt 2 triệu tỷ đồng (94,3 tỷ USD), tương đương 61% GDP.
Thiên tai, bão, lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập ở các thành phố lớn chưa được xử lý hiệu quả…
Đặc biệt, vẫn theo báo cáo này, cử tri và nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện qua việc xét xử nghiêm các đối tượng liên quan trong các vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh: việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp, việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế. Tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ, việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương cũng khiến cử tri bức xúc.
Qua kiểm tra những thông tin báo chí phản ánh và thanh tra công vụ do Bộ Nội vụ đã phát hiện có 9/11 địa phương, 58 trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn như: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng; tỉnh Sóc Trăng có 108/550 trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định…
Cử tri đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phát huy hơn nữa vai trò của báo chí và nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng với đó, cử tri một số địa phương cũng bày tỏ bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, thiếu công khai, minh bạch...
Việc giải quyết kiến nghị cử tri đã chuyển biến rõ rệt
Trong mảng công tác này, Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất nghiêm túc, tích cực có trách nhiệm cao trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nên chất lượng giải quyết các kiến nghị tại kỳ họp này có một sự chuyển biến khá rõ rệt. Lần đầu tiên trong kỳ họp này, nhiều kiến nghị đang còn trong quá trình xem xét giải quyết nhưng đã được nêu rõ lộ trình và thời hạn hoàn thành để cử tri theo dõi, đôn đốc và giám sát.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ hạn chế là số lượng kiến nghị qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều, tới 570 kiến nghị. Số kiến nghị mà bộ, ngành đang giải quyết nhưng không nêu lộ trình giải quyết và thời hạn dự kiến hoàn thành còn chiếm tỷ lệ lớn (407/570), trong đó có nhiều kiến nghị nếu thực sự nỗ lực thì có thể nêu rõ lộ trình giải quyết, nhưng một số bộ vẫn chưa thực hiện theo quy định.
Chia sẻ quan điểm với Ban Dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc lần đầu tiên Chính phủ, các bộ đã trả lời 100% kiến nghị của cử tri. Cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, song Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng nên có sự phân loại rõ đâu là vấn đề cũ, đâu là vấn đề mới phát sinh, đã giải quyết được gì, nếu không thì các kỳ họp sau lại vẫn những vấn đề này được đặt ra mãi.
“Đánh giá về những tồn tại phải có minh chứng cụ thể. Ví dụ nhận định “một số đại biểu chưa dành đủ thời gian cho giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thì là ai? Thời gian thế nào? Không có chứng cứ thì không được”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhắc nhở.