Với việc thông qua tuyên bố, hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ 21; đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.
Việt Nam tin tưởng việc đảm bảo không còn tình trạng phá rừng vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi. 5 năm trước, Chính phủ đã ban hành lệnh “đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên”, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan việc làm mất rừng, cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng.
Nhờ những chỉ đạo sâu sát, trong gần 5 năm qua, công tác ngăn ngừa, đấu tranh hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật, được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng hơn. Cùng với đó, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh được hưởng ứng rộng rãi từ các cơ quan, đoàn thể đến những cá nhân trên khắp cả nước đang đưa lại cảm hứng giữ rừng tốt hơn cho người dân.
Để đảm bảo giữ rừng bền vững, cần tăng cường phát triển các cánh rừng là giống cây bản địa nhằm tạo sinh kế cho người dân, qua đó rừng sẽ được giữ tốt hơn.
Một ví dụ rõ nét là ở Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được xem như bảo vật quốc gia, đã được trồng tốt tại huyện miền núi Nam Trà My, hàng ngàn hộ dân trở nên khá giả khi trồng loại sâm quý hiếm này. Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh đã mở thế phát triển bền vững không chỉ ở một vài xã mà trở thành động lực cho cả vùng.
Tại huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình), địa phương đã tặng đồng bào Khùa, Mày, Rục… hàng ngàn cây dỗi giống để trồng, khôi phục giống dỗi lấy hạt ngon nức tiếng dưới núi Giăng Màn. Các nhà khoa học tính toán, sau 10 năm cây này sẽ phát triển mạnh, hạt nhiều, giá cao; và đặc biệt việc lấy hạt để bán còn truyền lại cho đời con, đời cháu nên sẽ không gây hại cho rừng nữa.
Một tin vui cho quyết tâm đảo ngược tình trạng suy thoái đất rừng là WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam) cùng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã công bố nghiên cứu cho thấy Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển.
Việc công bố này được đánh giá là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm hiểu rõ ràng hơn mức độ, quy mô và xu hướng tác động của các lĩnh vực kinh tế đối với đa dạng sinh học Việt Nam. Từ đó, khuyến nghị các mô hình cam kết chuyển đổi tự nguyện có tính tích cực cho thiên nhiên và con người trong tương lai. Tin rằng cam kết của Việt Nam vào năm 2030 sẽ chấm dứt nạn phá rừng là có cơ sở.