Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng; Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước.
Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chiều 26-9, Thủ tướng đã khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Qua đó, Thủ tướng đã thấy được thực tiễn đang đặt ra cùng những thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, trong đó có việc người dân đã tự tổ chức lại sản xuất. Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ, nếu không biết tổ chức tốt công việc, chúng ta phải trả giá đắt với thiên nhiên, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún…
Dù phải đối mặt không ít thách thức, nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của nhân dân. “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục xác định tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vùng ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở làm cho đất và nước điều hòa để nâng cao đời sống của nhân dân. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân của doanh nghiệp và các đối tác quốc tế; huy động nguồn lực cần thiết có thể được. Cụ thể hóa thành các hành động thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ, chủ động sống chung với lũ… Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà là thách thức mà thôi” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị đưa ra được những giải pháp căn cơ, chiến lược, khả thi, có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực... Đồng thời Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận cần nói thẳng, nói thật, phản biện cả một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững thịnh vượng.
Báo cáo nêu rõ tính độc đáo của ĐBSCL - vùng đất nhiều thuận lợi, lắm khó khăn với những cơ hội, thách thức, qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho vùng đất này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TPHCM.
Phải lấy tài nguyên nước là yếu tốt cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này. Đồng thời, cần cơ chế đột phát, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Ưu tiên bố trí vốn cho những dự án cấp bách
9h05: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo phiên thảo luận chuyên đề về quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL, cơ chế huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Trong đó phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nguyên tắc như cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; Sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện trong vùng...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển ĐBSCL.
Xây dựng cơ chế thu hút tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, huy động nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực tại chỗ...Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo phiên thảo luận chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, thủy lợi, phòng chống thiên tai sạt lở.
Nhấn mạnh việc ứng phó với những biến đổi là không thể tránh khỏi, các ý kiến nhấn mạnh việc cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là "chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với các biến đổi".
Chủ động phát hiện, phát huy những lợi thế, kết hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 để biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế; theo đó phải coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển...
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học, cơ cấu lại phát huy tối đa lợi thế các sản phẩm chủ lực trong khu vực... Về thủy sản, phải giảm thiếu tối đa việc khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; quản trị chặt chẽ quy mô nuôi trồng không để ô nhiễm môi trường và phơi nhiễm...
Đồng thời, phải có cơ chế để thúc đẩy các nguồn lực sản xuất, hình thành liên kết trong mọi ngành hàng, mọi quy mô; tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động;..
Các báo cáo kiến nghị đề nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT, KHCN và các địa phương trong vùng, trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm: Thủy sản, trái cây, lúa gạo đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh; sửa nhanh Nghị định 210 tháo gỡ nút thắt về đất đai, cơ khí; có văn bản quy định để vùng này phải giữ nguyên được diện tích rừng còn lại; cho làm điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mới, đất mới; tập trung xử lý 40 điểm sạt lở ở biển, sông (tổng số đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng).