Trước khi chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai 2 đợt cao điểm phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở (giai đoạn 2021-2022). Theo đó, với sự hưởng ứng tích cực của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tập đoàn, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Sóc Trăng đã vận động xã hội hóa trên 174 tỷ đồng để chăm lo nhà ở cho các hộ nghèo.
Cụ thể, năm 2021 (đợt 1), tỉnh đã vận động được hơn 63,1 tỷ đồng, triển khai xây dựng được 1.268 căn nhà; năm 2022 (đợt 2) vận động hơn 109,5 tỷ đồng, triển khai xây dựng 2.191 căn nhà. Như vậy, chỉ chưa đầy 2 năm, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng được 3.459 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở (vượt mục tiêu đề ra 256 căn).
Ông Đặng Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Sóc Trăng, cho biết, qua rà soát, hiện toàn tỉnh có khoảng 7.052 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được sửa chữa, xây mới. Trong đó, đối tượng là người có công, gia đình chính sách khoảng 1.071 căn (xây mới 434 căn, sửa chữa 637 căn); hộ nghèo, cận nghèo khoảng 5.502 căn (xây mới 5.130 căn, sửa chữa 372 căn); 479 căn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để triển khai hiệu quả chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát từ cấp tỉnh, huyện và xã, trong đó Bí thư cấp ủy sẽ đảm nhận vai trò Trưởng Ban chỉ đạo. Tỉnh Sóc Trăng thống nhất mức hỗ trợ đối với 1.071 hộ gia đình có công với cách mạng và 5.502 hộ nghèo, hộ cận nghèo là 60 triệu đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa. Riêng đối với 479 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh cũng quyết định nâng mức hỗ trợ xây mới từ 40 triệu đồng/căn lên 60 triệu đồng/căn. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 318,96 tỷ đồng, trong đó tiếp nhận từ Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát 280 tỷ đồng, tỉnh sẽ tiếp tục vận động thêm là 28,96 tỷ đồng.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tỉnh phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, do đó tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, bảo đảm “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Về nguồn lực triển khai, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết thêm, tỉnh sẽ tích cực huy động, vận động các nguồn, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tạo động lực, lan tỏa mạnh mẽ phong trào để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện chương trình với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.