Cho dù hiện nay, Bộ GTVT quyết định tạm dừng thu phí để thống kê xe qua trạm nhằm thực hiện chính sách miễn giảm vì đặt sai vị trí, nên đến giờ các phương án xử lý đưa ra vẫn chưa có sự thống nhất và chưa biết đến khi nào mới giải quyết xong!
Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội cách nay tròn năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp và cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội. Chỉ trong buổi sáng ngày 4-6-2018, có đến 30 đại biểu chất vấn, có 20 lượt đại biểu tranh luận và theo danh sách còn đến 28 đại biểu đăng ký nhưng đã hết thời gian buổi sáng. Nội dung chất vấn tập trung vào các trạm BOT. Trong đó, Trạm T2 BOT QL 91, 91B được một số đại biểu ĐBSCL đề cập rất cụ thể. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Trong thời gian vừa qua, đối với trạm T2, Bộ GTVT đã làm việc với UBND các cấp của tỉnh An Giang rất nhiều lần. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau kỳ họp này chúng tôi sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ cùng với chính quyền địa phương rà soát kỹ lưỡng tất cả các phương án để có một giải pháp hợp lý”.
Thế nhưng, một năm đã trôi qua, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được phương án thuyết phục cho trạm BOT T2, đó là chưa kể các trạm khác như Cai Lậy và 15 trạm thu phí BOT đường bộ khác trên cả nước có vấn đề về vị trí đặt trạm cũng cần có giải pháp xử lý một cách rốt ráo. Trong đó, có 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án; 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành thuộc 4 dự án. Câu chuyện trạm thu phí BOT đến nay vẫn cứ nhùng nhằng.
Một vấn đề khác cũng liên quan đến các trạm BOT, để minh bạch hoạt động thu phí, giúp giám sát hoạt động thu phí hiệu quả hơn và giảm ùn tắc giao thông, Chính phủ đã giao Bộ GTVT triển khai thu phí tự động không dừng. Theo đó, giai đoạn 1, triển khai xong trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL 14) trong năm 2018; giai đoạn 2 áp dụng thu phí tự động với các trạm thu phí còn lại trong năm 2019. Với giai đoạn 1, Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện Công ty VETC (nhà thầu triển khai giai đoạn 1) đang gặp khó khăn tài chính, do ngân hàng dừng giải ngân vốn. Trong khi đó, các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư hát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, nhưng tới nay VEC vẫn chưa báo cáo phương án triển khai lên Bộ GTVT.
Vì thế, tiến độ thu phí tự động khó đảm bảo xong trước 31-12-2019 - thời hạn Thủ tướng đã yêu cầu. Đã thế, Bộ GTVT lại ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng. Chủ xe muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.
Với việc chủ xe phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông như hiện nay, cả nước có 3,8 triệu ô tô, mỗi xe chỉ cần nộp trước 100.000 đồng vào tài khoản, số tiền mặt nhàn rỗi đã rất lớn. Trong khi đó, hàng ngày bình quân mỗi trạm cũng thu vài tỷ đồng, cả nước hiện có hơn 80 trạm thu phí, đó là dòng tiền mặt hàng ngày không nhỏ.
Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết rốt ráo vấn đề trạm BOT, tránh tạo thêm điểm nóng, Bộ GTVT và các chủ đầu tư BOT đường bộ phải quyết liệt triển khai thu phí không dừng, hợp lý hóa và minh bạch hóa thu phí. Có như vậy, người dân, hay chủ các phương tiện tham gia giao thông sẽ không thấy mình bị móc túi vô lý cho những dịch vụ đường bộ mà mình không sử dụng hay chỉ sử dụng một phần.