Thông tin từ hội nghị toàn quốc về đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22-2 cho biết, trong năm 2024, cả nước dự kiến hoàn thành 130.000 căn NƠXH.
Đây cũng là giai đoạn tăng tốc để cả nước đạt được mục tiêu 428.000 căn của giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu này được cho là hoàn toàn khả thi nếu những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng NƠXH được tháo gỡ. Đó đều là những vấn đề đã được nhận diện, như vướng mắc về thủ tục pháp lý, nguồn vốn thực hiện dự án.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, việc đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân vẫn đang gặp khó trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi. Chính những khó khăn này đã dẫn đến việc nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký, kể cả những địa phương trọng điểm có nhu cầu về NƠXH rất lớn.
Trong đó, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM có 7 dự án với 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng có 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%... Thậm chí, có một số địa phương vẫn chưa có dự án NƠXH được khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.
Với quan điểm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản, tăng phân khúc nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình, việc tìm kiếm giải pháp để phát triển đột phá về NƠXH là trách nhiệm không chỉ của Bộ Xây dựng mà cả các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, giải pháp về cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư NƠXH là rất quan trọng.
Bên cạnh đó là giải pháp về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển NƠXH, như ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ trung ương và địa phương một cách tương xứng; xây dựng cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản lớn trong và ngoài nước vào lĩnh vực xây dựng NƠXH; nghiên cứu hình thành mô hình doanh nghiệp nhà nước chuyên về đầu tư, phát triển NƠXH...
Thực tế triển khai xây dựng NƠXH thời gian qua cho thấy, nếu không thực sự vào cuộc bằng việc chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì các kế hoạch, dự án về NƠXH tại các địa phương sẽ còn tiếp tục chậm trễ.
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án. Đồng thời, các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH trên phạm vi địa bàn.
Với những chỉ đạo và kế hoạch hành động cụ thể, quyết liệt này, hy vọng các mục tiêu NƠXH sẽ sớm thành hiện thực, từ đó góp phần tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chỗ ở cho người dân.