Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về báo cáo do Bộ Tài chính trình về các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN). Vừa qua, trên cơ sở rà soát đề xuất giảm mức phí, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho DN. Bộ Tài chính đã ban hành 16 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí tại 29 trạm thu phí BOT.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc giảm lãi suất vừa qua và các kết quả mà Bộ Tài chính báo cáo là rất thiết thực với DN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn. Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng. Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%...
Cùng với đó, chi phí vận tải, logistic còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm. Đặc biệt, chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn là gánh nặng của DN.
“Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại; đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bộ trưởng thấy DN lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của mình. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đầu quý 4 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí DN, đưa năm 2017 là năm giảm chi phí DN.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng, nhưng cũng có đến 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, một vấn đề khiến DN còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. “Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%. Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục ngàn tỷ đồng chi phí cho DN”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo nhiều chuyên gia, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác. Hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức rất khó để nhận diện, như nộp đơn xin phép, hay thông báo cho cơ quan quản lý, nhưng phải được chấp thuận, thì mới được hoạt động. Trong nhiều trường hợp, khi đã đủ điều kiện kinh doanh, DN còn phải chứng minh bằng việc xin một cái giấy nào đấy để xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo đó, để xin được giấy phép, các DN lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính… Điều này gây ra gánh nặng chi phí về mặt thời gian và cơ hội kinh doanh cho DN. Nhiều khi làm xong được giấy phép kinh doanh, thì DN đã mất cơ hội kinh doanh.
Tại Diễn đàn DN tư nhân mới đây, 65% DN cho biết điều họ mong muốn nhất là Chính phủ “hành động”, 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”. Điều đó cho thấy, DN vô cùng mong chờ Chính phủ sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa để xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của DN. Bởi thực tế, có những điều kiện kinh doanh trá hình, không nằm trong danh mục cũng như ngành nghề cụ thể mà “ẩn” trong những văn bản, quy định với những tên gọi, hình thức khác mà hiện nay các cơ quan quản ký vẫn chưa rà soát được, còn DN thì phải “chịu trận”.
Đã có quá nhiều ý kiến khẩn thiết từ người dân, DN cho rằng đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, bãi bỏ giấy phép bất hợp lý là những việc cần được ưu tiên và thực hiện khẩn trương hơn, vì những giải pháp này không tốn kém, không cần đầu tư quá nhiều thời gian như các biện pháp khác, nhưng lại mang lại hiệu quả cao, tức thì. Cần sớm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. Bên cạnh đó, để giảm những chi phí không chính thức cho DN, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp nhằm hạn chế tiêu cực.
Chỉ khi loại bỏ hết các điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý, bảo đảm cho các DN cạnh tranh bình đẳng thì chúng ta mới có được một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự lành mạnh để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.