Theo đó, công tác kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất thực phẩm. Cách làm này giúp đảm bảo hàng hóa an toàn ngay sau khi xuất xưởng, đưa ra thị trường. Việc xử lý vấn đề tận gốc là bài toán giải quyết câu chuyện an toàn thực phẩm được thuận lợi hơn.
Lợi dụng nhu cầu tăng đột biến, bộ phận người kinh doanh gian dối sẽ trà trộn nguyên liệu kém chất lượng để sản xuất các sản phẩm hòng kiếm lời cao. “Càng gần tết thì các hành vi vi phạm sẽ càng tinh vi, phức tạp hơn. Chúng tôi đã tập trung 2 tháng trước tết kiểm tra các hệ thống kho lạnh, kho lưu trữ cũng như việc tiêu thụ những mặt hàng. Gần tết, tập trung vào phân phối lưu thông”. bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.
Công tác phòng chống hành vi sản xuất hàng hóa kém chất lượng được các cơ quan chức năng duy trì và đẩy mạnh. Trong năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, cũng như thanh, kiểm tra theo đợt và các chuyên đề trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý. Cụ thể, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND TPHCM yêu cầu các sở ngành và UBND 24 quận huyện tổ chức các chiến dịch truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại nơi diễn ra lễ hội. Công tác quản lý thực phẩm tập trung thực hiện theo đặc thù lĩnh vực chuyên môn, địa bàn; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực thực phẩm… để cảnh báo cho người tiêu dùng nắm bắt thông tin và răn đe, xử lý. Bên cạnh đó, TPHCM cũng phát động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán cũng như mùa lễ hội trong năm 2019.