Hai huyện này chiếm gần 1/3 diện tích thành phố và kết nối với nhiều tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Long An, Tây Ninh, Bình Dương… Vì vậy, việc bứt tốc phát triển của 2 địa phương này không những giúp thành phố phát triển mà còn là lực đẩy quan trọng cho cả vùng. Sự kiện thứ 2 là Diễn đàn Kinh tế TPHCM, tạo cơ hội để lãnh đạo thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học… nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, qua đó xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.
Cách nay hơn 1 tuần, các lãnh đạo cao nhất của TPHCM cũng đã gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030 với một tinh thần cầu thị hết sức rõ ràng. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải tiếp thu sâu sắc những đóng góp tâm huyết của doanh nghiệp làm cơ sở để cải thiện môi trường đầu tư. Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cũng khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn mong muốn doanh nghiệp là đồng tác giả trong kiến tạo mô hình phát triển kinh tế hiện tại và tương lai.
Những sự kiện như vậy không chỉ diễn ra ở TPHCM mà còn ở cấp Chính phủ, các bộ ngành và nhiều địa phương khác. Tất cả cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ trong nỗ lực kiến tạo, xây dựng đất nước. Đánh giá về những động thái này, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn bởi nguồn lực xã hội nói chung, nguồn lực trong nội tại người dân nước ta rất lớn. Mà nguồn lực trong dân - vốn không hề nhỏ - luôn căn cơ nhất, bền vững nhất để xây dựng đất nước. Một thông tin Báo SGGP từng đưa: trong năm 2021 bất chấp dòng vốn ngoại rút mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bứt phá mạnh mẽ nhờ các nhà đầu tư trong nước. Đó là chưa kể lượng kiều hối “đổ” về Việt Nam cũng nằm trong tốp thế giới với hơn 18 tỷ USD, riêng TPHCM đạt gần 7 tỷ USD.
Chưa có thống kê cụ thể nhưng với các sự kiện kêu gọi đầu tư đã diễn ra có thể thấy, hầu hết chủ nhân nguồn vốn trong nước nêu trên rất mong muốn được đầu tư kinh doanh, làm giàu cho mình và quê hương đất nước. Đơn cử, với thông tin về 55 dự án mà TPHCM dự kiến kêu gọi đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi, ban tổ chức sự kiện này cho biết, đã có khoảng 20 dự án với quy mô hơn 5,6 tỷ USD được các nhà đầu tư (có cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài) quan tâm ký kết.
Thế nhưng, không phải bây giờ doanh nghiệp mới hào hứng với những dự án phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và đất nước. Và cũng không phải hiện nay Nhà nước mới có chủ trương xã hội hóa. Chủ trương này đã có từ nhiều năm trước nhưng vì nhiều lý do chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp đã phải “bỏ của chạy lấy người” do không giải quyết được thủ tục hành chính với ngành chức năng. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo các chuyên gia, lý do chính là trong các ngành và không ít địa phương vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”.
Nỗ lực khơi dòng đầu tư của Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn bị những đá ngầm ngăn cản. Do vậy, lần này, theo nhiều chuyên gia, nếu muốn thành công, chúng ta cần mạnh mẽ gạt ra khỏi đội ngũ những viên đá ngầm đó. Trước thềm hội nghị kêu gọi đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi, nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề :“Phải quyết liệt khơi dòng, nước mới chảy mạnh”. Ý kiến này không chỉ đúng với kỳ vọng đầu tư phát triển về hướng Tây của TPHCM mà còn đúng trong quá trình thu hút nguồn lực vào phát triển của đất nước nói chung.