Từ lúc đường băng mới của sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác (đầu tháng 1-2021) đến nay, đã có gần 33.000 lượt máy bay cất, hạ cánh. Trong giai đoạn 2, sân bay được cải tạo cùng lúc 8 đường lăn để máy bay ra khỏi đường băng nhanh hơn… Trong khi đó, các dự án kết nối giao thông quanh sân bay này vẫn giậm chân tại chỗ, là tác nhân chính gây quá tải sân bay, nhất là vào dịp lễ, tết.
Chỉ 3/6 dự án hoàn thành
Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất là đường Trường Sơn. Vì vậy, không chỉ đường Trường Sơn mà nhiều tuyến đường xung quanh, kết nối với đường Trường Sơn như Bạch Đằng, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ… luôn trong tình trạng quá tải.
Bà Trần Kim Như (sống trên đường Trà Khúc) cho hay, 2 năm gần đây, tình trạng ùn ứ tại khu vực sân bay đã giảm do dịch bệnh khiến người dân bớt đi lại. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng luôn có mặt nên tình hình đỡ hơn trước. Tuy nhiên, chỉ cần một sự cố nhỏ như xe bị hư, bị tai nạn… là giao thông ùn ứ ngay.
Năm 2016, Sở GTVT TPHCM lập kế hoạch triển khai 6 dự án giao thông nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc cho khu vực sân bay gồm xây cầu vượt đường Trường Sơn, xây cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; mở một đoạn đường Cộng Hòa ở nút giao Lăng Cha Cả. Tuy nhiên, hiện mới có 3/6 dự án được triển khai, là cầu vượt đường Trường Sơn, cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm, mở rộng đường Hoàng Minh Giám.
Trong đó, cầu vượt trên đường Trường Sơn có hình chữ Y, gồm một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế hơn 300m và một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội hơn 150m. Khi công trình hoàn thành năm 2017, giao thông ở khu vực này được tổ chức lại theo hướng cho phép ô tô và xe buýt lưu thông trên cầu vào sân bay, không xung đột với dòng xe đi qua khu vực này, đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc ở đây.
Cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm và việc mở rộng đường Hoàng Minh Giám đã giúp cải thiện cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông ở hướng từ sân bay về quận Gò Vấp.
Nguy cơ ùn ứ vẫn cao
Do còn 3 dự án chưa thể triển khai nên giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn phải đối mặt với nguy cơ ùn tắc cao. Đặc biệt, theo Sở GTVT TPHCM, áp lực giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao khi sân bay đưa vào khai thác các đường lăn và đường băng mới cùng việc xây thêm nhà ga T3 (dự kiến hoàn thành giữa năm 2023) - giúp nâng công suất khai thác lên 50 triệu lượt khách/năm. Do vậy, TPHCM càng phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ 3 dự án còn lại.
Trong 3 dự án chưa triển khai, dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa quan trọng nhất. Tuyến này xây mới, dài hơn 4,4km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng…
Điểm đầu của dự án từ đường Trần Quốc Hoàn, theo hướng đường Phan Thúc Duyện - đường 18E (thuộc Bộ Quốc phòng quản lý) - đường C2 - Hoàng Hoa Thám - đường C12 - Cộng Hòa. Khi hoàn thành, công trình tạo thêm hướng tiếp cận vào sân bay, phá thế độc đạo hiện nay của đường Trường Sơn và giảm lượng xe dồn vào vòng xoay Lăng Cha Cả - nơi kết nối các tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện.
Hai dự án còn lại đang được đẩy nhanh là mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800m, rộng 22m, tổng đầu tư 257 tỷ đồng, nhằm mở thêm cửa ra vào sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng đoạn đường Cộng Hòa, dài 134m, từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, ở thế thắt cổ chai, gây kẹt xe ở nút giao thông Lăng Cha Cả, có tổng vốn đầu tư 141 tỷ đồng.
Các dự án này chưa thể làm vì vướng mặt bằng, trong đó có diện tích thuộc đất quân đội.
Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ Quốc phòng bàn giao hơn 1.100m² đất để tổ chức giao thông, tái định cư tại chỗ cho 33 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, để thực hiện dự án kết nối giao thông đường Quang Trung - Nguyễn Văn Công - Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Quốc phòng thu hồi 1.390,6m² đất do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang quản lý, sử dụng.
Trước đề nghị của UBND TPHCM, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng khẩn trương lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ khu đất 16,05ha là diện tích đất quốc phòng giao lại cho UBND TPHCM quản lý sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ga T3.
Thủ tướng cũng giao UBND TPHCM căn cứ theo Nghị quyết 751/2019 của Quốc hội, đẩy nhanh việc lập và trình phê duyệt quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm..., trong đó nêu rõ khu đất 16,05ha là đất giao thông để làm cơ sở thu hồi, triển khai dự án.
Hy vọng với những động thái quyết liệt như vậy, các dự án đầu tư hệ thống giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn lại sẽ sớm được khởi công xây dựng.