* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trước thềm hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm vào ngày 17-7 tới đây, Bộ KH-ĐT cho biết, đến ngày 30-6, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 196.700 tỷ đồng, hoàn thành 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 30,49% của cùng kỳ năm ngoái. Ông có bình luận gì về con số này?
- TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Như vậy là cả số vốn giải ngân tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, dù tổng mức đầu tư công năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2023 (khoảng 657.000 tỷ đồng so với hơn 710.000 tỷ đồng).
Nhìn vào kết quả cụ thể của các bộ, ngành, địa phương thì có thể thấy sự khác biệt đáng kể. Bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, thì cũng vẫn có nhiều bộ, cơ quan và địa phương có vốn giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông, liên vùng do địa phương quản lý cũng đạt thấp. Trong 6 tháng đầu năm, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương; 33/63 địa phương có vốn giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thậm chí, vốn giải ngân của TPHCM cũng thấp hơn 4.604 tỷ đồng; đạt trên 14%, như chính Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định thẳng thắn là “rất thấp và không đạt kế hoạch đề ra”.
* Theo lý giải của các bộ, ngành, địa phương thì có khá nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với cùng kỳ. Ông nghĩ sao?
- Triển khai các dự án lớn sử dụng vốn ngân sách không bao giờ là chuyện dễ dàng. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tôi thấy một số địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cho biết, thời gian qua, có hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình…
Vấn đề đặt ra là tại sao vẫn có những bộ, ngành, địa phương có thể làm tốt? Phải chăng đó là do ở nhiều nơi, nhiều cấp, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai dự án? Còn nhớ năm 2023, trong khi Chủ tịch UBND TPHCM phê bình 25 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công quá thấp thì đồng thời cũng biểu dương 6 quận, 2 huyện giải ngân vốn đầu tư công tốt, trong đó có quận Gò Vấp đạt 99%.
Câu hỏi đặt ra: Phải chăng những “phương thuốc” đưa ra chưa đủ liều để lãnh đạo các địa phương tăng cường tính trách nhiệm, củng cố tinh thần dám nghĩ dám làm?
* Theo ông, cần có “cú hích” nào để giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024?
- Để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cử một tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tới ĐBSCL. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chủ trì một hội nghị để giải quyết vướng mắc về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều địa phương đã cam kết tháo gỡ nút thắt về vật liệu san lấp mặt bằng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Trọng cho biết sẽ tiếp tục giao các doanh nghiệp trước đây đã được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát trở lại; đồng thời điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất cấp phép khai thác cát sông giai đoạn 2021-2030 từ 4,5 triệu m³/năm lên 9 triệu m³/năm; hoặc lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khẳng định sẽ bảo đảm đúng kế hoạch cung cấp cát cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM và triển khai các thủ tục để cấp đủ trữ lượng cho các dự án đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau…
Về phần mình, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; lập và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.
Chúng ta đã nhắc đến hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 vào ngày 17-7 tới đây, tôi nghĩ, có lẽ sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn được đưa ra để thúc đẩy việc giải ngân.
* Mỗi lần chậm giải ngân vốn đầu tư công thì lại có nhiều giải pháp được đề xuất. Nhưng sau một thời gian, việc chậm trễ lại tái xuất hiện. Phải chăng chúng ta vẫn chưa có những giải pháp thực sự căn cơ cũng như việc thúc đẩy triển khai một cách quyết liệt, thường xuyên, thưa ông?
- Bên cạnh những giải pháp tôi đã đề cập thì phải có những quy định rốt ráo hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho được tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền. Cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và giải ngân đối với từng dự án, chứ không thể chung chung được; đồng thời tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt. Đây là những việc cần phải được làm quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất…; kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường. Các nguyên nhân trên cần phải được nhanh chóng tháo gỡ thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân được.