Về nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai sau tết, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước rất nặng nề. “Chúng ta không được chủ quan với các thành tích đạt được mà cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động hơn nữa ngay sau tết, phấn đấu thực hiện kế hoạch năm 2019 đạt kết quả tốt hơn” - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như: y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh bệnh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, đồng thời gây mất niềm tin trong nhân dân.
Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nêu cao tinh thần quyết tâm, phấn đấu ngay từ ngày đầu năm mới; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh… Từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động xây dựng, hoàn thành kịch bản tăng trưởng năm 2019, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20-2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kịch bản tăng trưởng, trình Chính phủ trong tháng 2; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay kế hoạch đầu tư năm 2019 hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao. Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ tết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo và có biện pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm, bảo đảm đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội…
Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau tết và mùa lễ hội; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương có trách nhiệm tăng cường thanh, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra các hoạt động phản cảm trong lễ hội; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương chủ động nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại, hội nhập năm 2019; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu năm Kỷ Hợi, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ tết; không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc tết làm ảnh hưởng đến thời giờ và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
* Ngày 11-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, gặp mặt cán bộ, người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nêu rõ, mô hình hoạt động của NHCSXH được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn. “Chúng ta theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương giảm nghèo bền vững và đặc biệt là đẩy lùi tín dụng đen”, Thủ tướng nói và yêu cầu hệ thống NHCSXH cả nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng suất, giảm chi phí. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người vay vốn để nâng cao khả năng bảo toàn vốn. * Cũng trong ngày 11-2, đến thăm Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình (Doveco) - doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm xuất khẩu, Thủ tướng nhìn nhận, Đồng Giao là một hình mẫu về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, trong đó đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là một mô hình tích tụ ruộng đất mới, thành công, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, việc quản lý, sử dụng đất có hiệu quả. “Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khoảng 27,3 triệu hécta. Làm như ở Đồng Giao, tức là trên 250 triệu đồng/ha thì chúng ta đã có gần 300 tỷ USD về giá trị sản xuất nông nghiệp. Và nếu chúng ta phấn đấu là 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 600 tỷ USD”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan trung ương, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn xuất khẩu để kim ngạch không chỉ trên 40 tỷ USD như hiện nay. |