Hàng nhập lậu tăng mạnh
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.533 vụ việc với 2.809 đối tượng và 3 tổ chức có hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 8,4% về số vụ so với năm 2019. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng hàng nhập lậu có nhiều diễn biến phức tạp với 122 vụ việc bị phát hiện bắt giữ, tăng 79,4% so với cùng kỳ và tập trung ở các loại hàng hóa như: mỹ phẩm, rượu ngoại, điện thoại di động, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, đồ gia dụng và buôn bán xăng dầu trên biển.
Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, khu vực cụm Cái Mép - Thị Vải là nơi có lượng hàng trung chuyển quá cảnh, tạm nhập tái xuất tương đối lớn nên tình hình buôn lậu và gian lận thương mại rất phức tạp. Thông thường, các đối tượng thường tránh, lách về chính sách nhằm đưa hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam để tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan. Hoặc cũng có trường hợp lợi dụng kê khai hàng không được ưu đãi thuế lẫn với hàng được ưu đãi thuế, kê khai không đầy đủ, không đúng tên hàng và nhiều hình thức thủ đoạn gian lận khác. Nếu như trước đây, chỉ có tình trạng lợi dụng kê khai xuất xứ đối với hàng nhập khẩu để lách thuế, thì hiện tại đã có trường hợp lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất đi các nước mà Việt Nam ký kết hiệp định thương mại về ưu đãi thuế.
Thượng tá Võ Minh Khánh, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 thông tin, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên vùng biển do đơn vị quản lý khá phức tạp; tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: xăng dầu, đường, thuốc lá, rượu ngoại. Trong năm, lực lượng vùng đã bắt giữ 17 vụ với 18 phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa, tịch thu hơn 1,7 triệu lít xăng, hơn 224 tấn đường thô, hơn 4,9 triệu tấn than… Trong đó, nóng nhất ở mặt hàng xăng dầu; lợi dụng hình thức hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, các doanh nghiệp làm ăn phi pháp tiến hành tạm nhập xăng dầu vào nội địa, nhưng sau đó không làm thủ tục tái xuất mà hợp thức hóa để tiêu thụ nội địa; hoặc tái xuất nhưng không vận chuyển ra nước ngoài mà vận chuyển ra biển, đợi đêm tối bơm xăng sang tàu khác để buôn bán phi pháp. Đáng chú ý, các đối tượng thường chọn điểm giao hàng ở vùng biển giáp ranh để giao dịch, khiến công tác đấu tranh với loại tội phạm này đang gặp không ít khó khăn.
Xử lý các đối tượng chủ mưu
Theo các cơ quan chức năng, buôn lậu qua các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải chủ yếu là các mặt hàng quá cảnh đi sang nước bạn, do loại hàng này chỉ bấm seal và giám sát ở các điểm đầu cuối. Tuy nhiên, có tình trạng cắt seal dọc đường tráo hàng, rút ruột container nên để xử lý tình trạng này, các ngành chức năng đã thực hiện biện pháp gắn seal định vị giám sát và phương án này đang phát huy rất hiệu quả. Hiện Vùng Cảnh sát biển 3 đang xây dựng phương án định vị kiểm soát tàu thuyền trên biển, để khắc phục các khó khăn và đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vấn đề buôn lậu gia tăng trên biển có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lực lượng chức năng, người thực thi nhiệm vụ có nơi, có lúc chưa làm tròn trách nhiệm, để hàng lậu lọt qua cửa khẩu. Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết tình hình buôn lậu qua đường biển thông qua các cảng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành chức năng cần phối hợp và tập trung điều tra xử lý các đối tượng chủ mưu cầm đầu để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả một cách triệt để.
Kiên Giang: Nhiều vụ vận chuyển dầu trên biển không rõ nguồn gốc
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, vào trưa 18-1, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Thổ Châu (huyện Phú Quốc) phát hiện tàu cá TG - 90659TS (do ông Phan Văn Giỏi, 44 tuổi, thường trú xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng), có biểu hiện nghi vấn khi đang cặp mạn một tàu cá khác trên vùng biển do đơn vị quản lý. Tổ công tác áp sát kiểm tra, các đối tượng liền điều khiển tàu quay đầu bỏ chạy, nhưng sau đó bị bắt giữ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 140.000 lít dầu chứa đầy trong các hầm dùng để chứa cá, không có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Theo nhận định của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, do giá dầu ở Thái Lan và Campuchia thấp hơn trong nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu của ngư dân rất lớn, vì vậy một số tàu cá dùng thủ đoạn cải hoán, tạo các khoang dầu khép kín có sức chứa lên đến hàng trăm ngàn lít, cộng với máy bơm công suất lớn… Các đối tượng lợi dụng thời tiết sóng gió, đêm tối, chạy ra vùng biển mua dầu không rõ nguồn gốc về tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, tình hình buôn lậu trên biển thời điểm gần Tết Tân Sửu có chiều hướng tăng. Các đối tượng lắp đặt thiết bị hiện đại trên tàu, để xác định các phương tiện của lực lượng chức năng đến gần khu vực giao nhận hàng, từ đó nhanh chóng tẩu thoát khi bị phát hiện.
Trong năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang, cùng Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Lực lượng chức năng đã bắt giữ và tiếp nhận xử lý 14 vụ, với 20 tàu, có hành vi mua bán, sang mạn, vận chuyển dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam. Ngành chức năng đã tịch thu tài sản, bán nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng.
VĨNH THUẬN