Nếu cả năm 2023, ngành du lịch TPHCM đón gần 40 triệu lượt khách, với tổng thu đạt 160.000 tỷ đồng thì chỉ với một kỳ Lễ hội Sông nước lần 2 - 2024, trong vòng 10 ngày, thành phố đã đón 1,3 triệu lượt khách, với tổng thu 4.250 tỷ đồng. Dịch vụ phòng, ẩm thực, lượng vận chuyển đều tăng bình quân 20% so với thường ngày, góp phần vào mức tăng trưởng cao cả về doanh thu (tăng 14,6%) lẫn số lượng khách (tăng 38%), là động lực cho tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn thành phố tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023.
Những con số nói trên sẽ gia cố một cách thuyết phục việc hướng đến “Thành phố sự kiện”, với các lễ hội thường niên đã được HĐND TPHCM thông qua, cùng lúc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa và khai thác, phát triển các trị giá kinh tế trong dịch vụ - thương mại với chiến lược công nghiệp văn hóa đang được khởi động một cách tích cực.
Đó cũng là mức tăng “sáng cửa” nhất trong bức tranh tổng thể 6 tháng đầu năm 2024 với đà tăng nhẹ, tăng đều ở hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, thị trường lao động có nhiều khởi sắc với tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,44%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 1,55% so với cùng kỳ. Con số này ít nhiều gắn với sự phục hồi của doanh nghiệp với hơn 26.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng qua. Nhưng không “tô hồng” hiện trạng khó khăn của một số doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, tính thâm dụng lao động cao để “đón đầu” một lượng công nhân, lao động giảm việc, mất việc, giảm thu nhập nên thành phố cũng đẩy mạnh công tác an sinh xã hội một cách đúng thời điểm, trúng đối tượng. Cũng như chính sách hỗ trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe tập trung tính bao phủ lẫn len sâu vào từng đối tượng yếu thế, thu nhập thấp…
Song, qua 6 tháng của năm cuối “bản lề”, thành phố vẫn còn nhiều “món nợ” mà nếu không tập trung cao độ tính phối hợp tháo gỡ, tính quyết liệt trong thực thi thì sẽ khó trả đủ, trả đúng vào cuối năm. Đó là hệ quả từ bối cảnh kinh tế chính trị thế giới diễn biến phức tạp khó đoán định đã tác động đến việc kéo giảm đơn hàng xuất khẩu; tỷ giá biến động tăng đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu.
Vì vậy, phải tiếp tục thúc đẩy hơn nữa, quyết liệt hơn nhiều trong các giải pháp trước mắt và lâu dài để cùng lúc khắc chế ngay những điểm yếu, điểm nghẽn cũ; tái cấu trúc một cách căn bản và tiến hành một cách bài bản những đầu việc mới trong các lĩnh vực, nhiệm vụ vừa thông qua (các bản quy hoạch tổng thể của thành phố vừa/sắp được thông qua, các đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…).
Trước mắt là tập trung cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, tiếp tục gỡ các dự án tồn đọng trên địa bàn, thúc đẩy chi tiêu công tiêu dùng nội địa, các hoạt động thúc đẩy dịch vụ thông qua các lễ hội, văn hóa và hình thành kinh tế dịch vụ thành phố. Củng cố, hoàn thiện cả về cơ chế, nguồn lực con người cho các đầu việc mang tính nền tảng như đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng trong đó đặc biệt chú trọng về đề án đường sắt đô thị (đã trình) mà cam kết đưa vào vận hành thương mại tuyến metro số 1 vào tháng 11 tới phải được giữ đúng. Cần cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy các nguồn lực tư nhân cho những dự án mang tính trọng điểm về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Để hiện thực hóa tất cả những đầu việc trên thì bắt buộc phải có sự chuyển hóa mạnh mẽ bộ máy công vụ của thành phố mà công cụ tham khảo, cũng là thước đo chính là cải thiện thứ hạng của các chỉ số cải cách, cạnh tranh…