Thông qua hoạt động kiểm tra thực tế công tác quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương đã góp phần tăng cường công tác bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe, tính mạng người dân, tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo cơ quan quản lý địa phương đề cao cảnh giác, nâng cao nhận thức và coi đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm là một trong các giải pháp đồng bộ phòng chống dịch hiệu quả.
Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo duy trì các chương trình hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và giám sát ATTP với các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo, chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành theo Chỉ thị số 17/CT-TTg tại các địa phương.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Quản lý ATTP TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin quản lý ATTP ngành công thương để hoàn thiện, đánh giá tính phù hợp của hệ thống với yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP, Bộ Công thương còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu. Lũy kế đến nay, Bộ Công thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Các cơ sở kiểm nghiệm đã thực hiện nghiêm túc, đảm bảo 100% lô hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương nhập khẩu được kiểm tra về ATTP.