- Bà TRẦN THỊ BẢO THU, Giám đốc Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour-Vietluxtour:
Quy hoạch để chợ còn là điểm đến du lịch
Muốn dẹp được chợ tự phát cần có hướng đi cụ thể, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như ý thức của người dân. Trên thực tế, có một số địa phương ở TPHCM làm tốt công tác hỗ trợ người kinh doanh di dời, chuyển đổi nghề nghiệp. Ví dụ, quận 1 có chợ Cô Giang, chợ hẻm Nguyễn Văn Tráng. Nhìn rộng ra, các quận huyện khác đều có thể tìm hiểu, học hỏi từ những “điểm sáng” trên. Tuy vậy, làm sao để hài hòa lợi ích, vừa giữ được sinh kế cho bà con kinh doanh, nhưng vẫn đảm bật trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, an toàn thực phẩm… quả thực không dễ dàng. Ở góc độ du lịch, tôi nhận thấy, nhiều nước trên thế giới, chợ không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người địa phương mà còn trở thành điểm tham quan thú vị với du khách quốc tế bởi chợ chính là nơi thể hiện đặc trưng văn hóa địa phương một cách sinh động, độc đáo nhất. Về lâu dài, TPHCM cũng nên xem xét theo hướng quy hoạch các chợ truyền thống đưa vào các tuyến điểm tham quan.
- Ông TRẦN MINH SƠN, Trưởng ban Quản lý chợ Gò Vấp:
Chính quyền địa phương cần quyết liệt
Mô hình chợ truyền thống đang có xu hướng thoái trào, không nhộn nhịp, sôi động như trước đây. Một nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của chợ truyền thống chính là chợ tự phát. Vì sự tiện lợi, người mua không cần phải vào chợ, không phải mất thời gian gửi xe, do đó số lượng người dân chọn chợ tự phát ngày càng phổ biến. Một nguyên nhân khác dẫn đến chợ truyền thống hoạt động kém hiệu quả là nhiều năm trước đây, một số quận huyện trên địa bàn TPHCM khi xây dựng chợ, cấp giấy chứng nhận sử dụng sàn cho tiểu thương, nhưng lại không ghi thời hạn sử dụng, dẫn đến việc nhiều tiểu thương coi đó là tài sản cá nhân, tự do sang nhượng, cho thuê hoặc đóng cửa sạp, dẫn đến hoạt động một số chợ truyền thống kém hiệu quả. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, rất cần sự quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
- Luật sư LÊ ĐỨC THỌ, Đoàn Luật sư TPHCM:
Không thiếu chế tài, chỉ thiếu trách nhiệm
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý hành vi lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường trái phép. Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người nào đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ… tùy theo mức độ thiệt hại mà mức phạt từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Điều này cho thấy, cơ sở pháp lý để xử lý hành vi lấn chiếm, sử dụng lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh đã được luật định và biện pháp chế tài khá nghiêm khắc. Việc để chợ tự phát mọc tràn lan trên các tuyến đường, kéo dài nhiều năm là do cán bộ, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, để xóa chợ tự phát, ngoài việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật thì cũng cần tạo điều kiện để người buôn bán trên các chợ tự phát chuyển nghề, có việc làm mới.
- Chị VŨ THỊ THẢO, buôn bán trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp:
Mong có cách giải quyết thấu tình
Quê tôi ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công việc ổn định, nên đầu năm 2018 cả hai vợ chồng quyết định lên TPHCM để buôn bán mưu sinh. Tôi biết buôn bán trên vỉa hè hay dưới lòng đường là vi phạm pháp luật, gây nên tình trạng kẹt xe, tắc đường. Tuy nhiên, không còn sự lựa chọn nào khác. Sở dĩ chúng tôi không muốn vào chợ truyền thống là bởi vì chỉ bán vài tiếng vào buổi sáng sớm và chiều tối rồi mọi người đều giải tán, trong khi vào chợ phải mất tiền phí thuê mặt bằng, tiền thuế nên thu nhập sẽ không đủ trang trải cuộc sống. Tôi mong, khi chính quyền ra quân dẹp bỏ chợ tự phát thì cũng nên có những biện pháp thấu tình đạt lý, hỗ trợ chúng tôi vào chợ truyền thống hoặc hướng dẫn di dời ra những địa điểm được phép buôn bán mà không gây ảnh hưởng đến văn minh đô thị.