Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Kháng chiến Nam bộ (23-9-1945 - 23-9-2019), PV Báo SGGP đã gặp và nghe ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM và ông Trương Thành Hỷ (Hai Hỷ), nhân chứng còn lại trên quê hương cách mạng Hóc Môn, kể về không khí hào hùng của những ngày Sài Gòn quyết giữ lời thề non sông, nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp…
Tháng 9-1945, ông Nguyễn Trọng Xuất, lúc đó mới 15 tuổi, đã tham gia Thanh niên Tiền Phong do Xứ ủy Nam kỳ lập nên. Sau ngày Độc lập 2-9-1945 ở Sài Gòn, không khí cách mạng đã dâng cao trong các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi yêu nước. Lúc đó, nước ta vừa trải qua nền cai trị, đô hộ hà khắc của thực dân Pháp, rồi sự tàn bạo của quân Nhật đã làm cho hơn 2 triệu người bị chết đói, nên không khí của các phong trào yêu nước, nhất là Thanh niên Tiền Phong, lên rất nhiều. Ai cũng với một tinh thần yêu nước, quyết xả thân giữ vững nền độc lập nước nhà.
Ông Nguyễn Trọng Xuất Ông Nguyễn Trọng Xuất nhớ lại: Lúc bấy giờ, chính quyền non trẻ tại Sài Gòn và Nam bộ được lập nên ở khắp nơi; nhân dân náo nức, sục sôi khí thế cách mạng cùng xuống đường, lập chốt tại các trục lộ giao thông giữ vững an ninh, truy tìm những tên tay sai, quan lại tham tàn. Nhân dân từ Tây Ninh, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Long An, Cần Thơ… kéo về Sài Gòn tuần hành, biểu dương lực lượng, quyết bảo vệ chính quyền nhân dân, ủng hộ tài lực cho Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ duy trì hoạt động. Lực lượng Thanh niên Tiền Phong, Phụ nữ cứu quốc và các tổ chức, hội đoàn do nhân dân lập nên đã quy tụ được mọi thành phần trong xã hội, cùng đoàn kết, tranh đấu bảo vệ nền độc lập và ngăn quân Pháp trở lại nước ta. Những ngày độc lập đó, đi đến đâu cũng nghe mọi người hô vang lời thề “Độc lập hay là chết”, truyền giữ tinh thần cho nhau, quyết giữ trọn lời thề với non sông và luôn cất vang tiếng hát “Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông…”, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải cho Tổ quốc…
Trong hồi ức của ông Hai Hỷ, những ngày Sài Gòn - Nam bộ với tầm vông vạt nhọn, nhất tề đứng lên đánh đuổi quân Pháp xâm lược là những ngày sôi nổi, tự hào nhất. Ngày đó, chàng thanh niên Hai Hỷ 21 tuổi đã là Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc quận Hóc Môn, trực tiếp cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định tham gia cuộc kháng chiến, quyết giữ nền độc lập non trẻ.
Ông Trương Thành Hỷ Ông Hai Hỷ nhớ lại: Lực lượng quân sự Hóc Môn lúc đó có một trung đội với 26 cây súng làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Đảng và chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân huyện Hóc Môn đã có nhiều sáng kiến trong việc tự tạo vũ khí và tổ chức lực lượng đi mua súng của Nhật, mò vớt súng của lính Pháp và lính Nhật ném xuống sông Sài Gòn và đào các hầm nơi lính Nhật chôn giấu súng đạn và tổ chức cướp súng… Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn, ta đã có được một số lượng vũ khí trang bị cho những đơn vị vũ trang bố trí khắp Hóc Môn.
Lúc này ông Hai Hỷ cùng 2 đồng chí khác tham gia đội trinh sát của Hóc Môn, hàng ngày đi nắm thông tin, tình hình ở Sài Gòn. Khi quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn đêm 22-9, lực lượng cách mạng ở Hóc Môn đã lớn mạnh - người làm giao liên, trinh sát, người phục vụ nấu ăn, hậu cần. Ngày đó, tuyến đường sắt Hóc Môn - Sài Gòn đi qua Gò Vấp trở thành đường dây liên lạc giữa các cánh quân của Hóc Môn và các mặt trận ở cầu Tham Lương, cầu Bông, cầu Thị Nghè, Bà Quẹo, cầu Bến Phân… Đoàn Thanh niên cứu quốc quận Hóc Môn có nhiệm vụ liên lạc, trinh sát nắm tình hình dọc tuyến đường sắt này, từ ga Sài Gòn đến ga Gò Vấp, Hóc Môn qua đường dây điện thoại của đường sắt. Mỗi điểm có một tổ kịp thời thông tin đến các mặt trận để bố trí lực lượng đánh Pháp. Nhờ vậy, mặt trận cầu Tham Lương được giữ vững hơn 3 tháng, đến đầu tháng 1-1946, ta mới rút...
HOÀI NAM