Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai |
Phóng viên: Thưa bà, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM năm 2022 đạt thấp so với chỉ tiêu. Những người có trách nhiệm ở thành phố nhìn nhận và chịu trách nhiệm về việc này ra sao?
* Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: Dự kiến năm 2022, TPHCM giải ngân trên 25.500 tỷ đồng, đạt 68% chỉ tiêu. Tính theo giá trị tuyệt đối, số vốn đầu tư công giải ngân cao hơn năm 2021 hơn 5.700 tỷ đồng (tăng 29,3% số tuyệt đối); về tỷ lệ, cao hơn 6,9% so với năm 2021 (năm 2021 đạt tỷ lệ 61,1%). Số tuyệt đối, số tỷ lệ đều cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu phấn đấu. Dù TPHCM có nhiều nỗ lực, cố gắng quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung và những vướng mắc nội tại chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trước mắt, Chủ tịch UBND TPHCM và bản thân tôi, người đứng đầu các đơn vị, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp đều không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Cùng với đó, chúng tôi đã cùng ngồi lại, phân tích những nội dung, vấn đề còn hạn chế, đưa ra thêm những giải pháp để bức tranh đầu tư công năm 2023 tươi sáng hơn.
Những giải pháp cụ thể đó là gì?
* Năm 2023 được TPHCM xác định là năm trọng điểm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ. Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn cho TPHCM năm nay hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần ngân sách địa phương là hơn 55.000 tỷ đồng, cao gần 2 lần kế hoạch năm 2022. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thành phố phát huy tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để có thể thực hiện được kế hoạch phát triển hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội XI Đảng bộ TPHCM đã đề ra.
Là cơ quan đầu mối về công tác đầu tư công trên địa bàn, Sở KH-ĐT tiếp tục đề xuất và kiến nghị nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, có những giải pháp về thể chế, quy định của pháp luật; nhóm giải pháp về quản lý điều hành, cải cách hành chính và nhất là quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể tại từng giai đoạn thực hiện dự án.
"Công tác giải ngân vốn đầu tư công có một số tồn tại chủ quan, trong đó yếu tố tổ chức thực hiện là quan trọng, từ việc thực hiện chức năng quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, công tác phối hợp, thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Đặc biệt là việc chuẩn bị hồ sơ, lập thủ tục bồi thường, thực hiện thủ tục đấu thầu"
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM LÊ THỊ HUỲNH MAI
Một trong những lý do dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là do chậm giải phóng mặt bằng. Việc này được giải quyết ra sao?
* Năm nay, TPHCM bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn, đủ điều kiện bố trí, làm cơ sở hoàn thành thủ tục công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả cho người dân. Do đó, công tác bồi thường phải được hoàn thành trong năm 2023, là cái mốc cần phải đạt được, để các hạng mục xây lắp có thể triển khai thi công, hoàn thành trong các năm còn lại của giai đoạn trung hạn, đáp ứng được mục tiêu thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Sở TN-MT sẽ tiếp tục phát huy vai trò tổ trưởng tổ công tác về công tác bồi thường, giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân. UBND các quận huyện, nhất là TP Thủ Đức - địa phương tập trung nhiều công trình giao thông trọng điểm của TPHCM, cần chủ động lập kế hoạch, tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án để đề xuất bố trí vốn phù hợp.
Trong các giải pháp đưa ra, điều quan trọng nhất là gì và vai trò đầu mối của Sở KH-ĐT sẽ được thể hiện như thế nào?
m Vấn đề tổ chức thực hiện rất quan trọng. Những nhóm giải pháp mà Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND TPHCM ban hành để thực hiện trong năm 2023 hướng đến trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị quản lý, từng chủ đầu tư với tiến trình kế hoạch rõ ràng. Trong đó, chú trọng đến trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức, thực hiện. Tôi tin tưởng rằng, với định hướng và quyết tâm thực hiện hiệu quả từng giải pháp đã đề ra, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được giải ngân hiệu quả, cao hơn năm 2022, cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công, trong năm 2023, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tham mưu UBND TPHCM báo cáo HĐND TPHCM xem xét việc giao thẩm quyền cho UBND TPHCM được quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C, điều chỉnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công của TPHCM… Sở cũng sẽ tham mưu nội dung về tăng trần trung hạn để sử dụng được nguồn vốn huy động tăng thêm bố trí cho các dự án cần thiết, cấp bách khác và điều hòa vốn linh hoạt giữa các chủ đầu tư và các dự án, nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn được giao.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, năm 2023, TPHCM tập trung triển khai đầu tư công, ngoài xem xét vào thi đua, với các dự án đã được phân bổ vốn, đến cuối tháng 2, các chủ đầu tư cần có kế hoạch triển khai ngay, đảm bảo cuối năm giải ngân xong. Đến tháng 7, nếu không rõ kế hoạch triển khai, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác. Với các dự án còn trong danh mục dự phòng, đề nghị Sở KH-ĐT phối hợp các cơ quan đơn vị chuẩn bị kỹ hồ sơ để tháng 3-2023, UBND TPHCM đề nghị HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp chuyên đề và phân bổ tiếp vốn, tinh thần là phân bổ vốn trong nửa đầu năm. Đồng thời tiếp tục vận hành 3 tổ công tác về mặt bằng, dự án vốn lớn và ODA.