Quyết chặn nạn “ma men” dẫn lối - Bài 3: Nâng cao nhận thức, kéo giảm tai nạn giao thông

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn vẫn đang tiếp tục triển khai với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Việc này sẽ tạo nề nếp, thói quen cho người tham gia giao thông trên tinh thần đã uống rượu bia là không lái xe, từ đó cũng giúp người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) một cách nghiêm túc hơn. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến chuyên gia, lãnh đạo ngành CSGT về vấn đề này.

* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia:

Kiên quyết lập lại an toàn giao thông

Từ giờ đến cuối năm, nhất là quý 4 luôn là thời gian cao điểm về nhu cầu cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, lưu lượng giao thông, mật độ giao thông sẽ tăng cao, số lượng phương tiện cũng tăng, nhất là cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Đầu tiên, phải áp dụng ngay các chế tài, siết chặt quản lý, nhất là hoạt động liên quan đến vận tải; tiếp tục tăng cường và duy trì quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm, trong đó có những chuyên đề đã thực hiện rất thành công từ năm trước đến năm nay như xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm về tải trọng xe.

Đặc biệt, từ giờ đến cuối năm, phải quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý vi phạm phương tiện kinh doanh vận tải và xử lý trách nhiệm những người để xảy ra tình trạng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Chúng ta phải hướng đến bảo đảm ATGT, tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính và thông tin kết quả đó đến đông đảo người dân để thấy được sự nghiêm minh của pháp luật.

Đặc biệt, phải gửi danh sách tên, tuổi của cán bộ, đảng viên vi phạm về tổ chức để xử lý, dùng kết quả xử lý để tuyên truyền tiếp, từ đó hình thành văn hóa giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông.

Thực trạng cán bộ, đảng viên vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý trong thời gian qua đã cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý không có vùng cấm. Số lượng cán bộ vi phạm không nhiều so với trước đây, nhưng lần này chúng ta làm nghiêm, làm chặt, đặc biệt là kết quả xử lý đối tượng vi phạm được gửi về cơ quan để tiếp tục xử lý theo quy định của Đảng, quy định công chức, viên chức. Kết quả vi phạm này cần được thông tin rộng rãi tới người dân, từ đây tạo ra sự lan tỏa và quan trọng nhất tạo niềm tin của nhân dân. Mọi người hãy thay đổi nhận thức và hãy chấp hành đúng pháp luật về ATGT.

* Đại tá PHẠM QUANG HUY, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an):

Tập trung đánh trúng các vi phạm

Việc xử lý nồng độ cồn, Cục CSGT thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Ủy ban ATGT quốc gia. Theo đó, đẩy mạnh, tăng cường giáo dục từ cấp cơ sở. Với vi phạm nồng độ cồn, sẽ tập trung công tác điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, địa bàn, tụ điểm ăn nhậu, nhà hàng để đưa các địa điểm này vào tuần tra, kiểm soát.

Trong 1 tháng thí điểm vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm ATGT, trong số này có nhiều thành phần và lực lượng đang tổ chức phân loại, xác minh và sẽ thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 23, Chỉ thị số 10 là sẽ xác minh và thông báo liên quan đến lỗi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đơn vị để có biện pháp xử lý theo quy định.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp công an các địa phương đẩy mạnh biện pháp nghiệp vụ, từ khâu tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục đưa các chuyên đề cao điểm liên quan tới trật tự ATGT để qua đó xác định phải đánh trúng các vi phạm. Ví dụ như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, vượt đèn đỏ, chở quá tải, tránh vượt không đúng quy định.

* Ông TRẦN VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang:

Xử lý nghiêm, kể cả lãnh đạo nếu bao che

Theo tôi, trước hết đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về ATGT phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mọi cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật về ATGT phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan và đơn vị.

Từ nay đến cuối năm, ngành giao thông phải duy trì việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, không chấp nhận việc tác động vào quá trình xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân. Cán bộ đảng viên can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về ATGT phải bị xử lý nghiêm.

Tôi đề nghị cần phải kiểm soát vấn đề này đối với các cơ quan, đơn vị. Nếu tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng chuyển về mà không xử lý cán bộ thì xem như thủ trưởng cơ quan đó không chấp hành quy định của pháp luật.

* Thượng tá VÕ VĂN NGHĨA, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bến Tre:

Khuyên nhủ, động viên người thân không lái xe khi đã uống rượu bia

Để góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, bên cạnh những nỗ lực của các ngành chức năng, mọi người tham gia giao thông cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Không thực hiện các hành vi mà Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nghiêm cấm.

Nói không với rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu sử dụng rượu bia thì nên đi lại bằng phương tiện công cộng, nhờ người thân chở về, khi tham gia giao thông tự giác tuân thủ, chấp hành theo sự hướng dẫn, điều tiết giao thông của lực lượng CSGT. Không chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế, không cơi nới, không chở hàng vượt quá vạch dấu nước an toàn đường thủy, hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ.

Bên cạnh đó, thường xuyên nhắc nhở bạn bè, gia đình và người thân cùng tự giác chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa khi tham gia giao thông. Tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền ATGT, những thông tin cần thiết đến mọi người góp phần nâng cao ý thức, nhận thức người dân khi tham gia giao thông. Mạnh dạn lên án, phê phán mạnh mẽ những hành vi không chấp hành pháp luật về ATGT, xem thường sức khỏe, tính mạng của con người khi tham gia giao thông để mọi người thấy đó là hành vi xấu, cần xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe.

Mọi người tham gia giao thông hãy cộng đồng trách nhiệm cùng với lực lượng CSGT quyết tâm lập lại trật tự ATGT, xây dựng xã hội văn hóa, an toàn khi tham gia giao thông.

Ban Bí thư yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, ATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông.

Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

(Trích Chỉ thị số 23 ngày 9-7-2023 của Ban Bí thư về đảm bảo ATGT trong tình hình mới)

Tin cùng chuyên mục