Từ sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, qua các hội nghị cử tri nơi cư trú và hiệp thương lần 3, hiện nay danh sách ứng cử ĐBQH từ 52 còn 38 người. Số người ứng cử ĐB HĐND TPHCM từ 172 người còn 159 người.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định: Công tác lấy ý kiến cử tri nơi cư trú tại TPHCM đã được tổ chức đúng theo luật định, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch.
Ông Ngô Thanh Sơn: - Từ 21-3 đến 13-4-2021, có 219 hội nghị cử tri nơi cư trú được tổ chức. Kết quả, có 39/50 người ứng cử ĐBQH và 161/169 người ứng cử ĐB HĐND TPHCM đạt tỷ lệ tín nhiệm trên 50%.
Tại các hội nghị, người ứng cử, lãnh đạo cơ quan đơn vị của người ứng cử (nếu có) đều được tham dự, thông tin giải thích các vấn đề người dân nêu ý kiến trước khi tiến hành biểu quyết. Theo tôi cách làm như vậy là rất công khai, dân chủ và minh bạch.
Trước đó, qua các kênh thông tin báo chí, hệ thống mặt trận, nhiều hoạt động tuyên truyền bầu cử được tổ chức, từ đó vận động người dân tích cực tham gia các hội nghị cử tri, nghiên cứu về tiểu sử tóm tắt và tích cực nêu ý kiến tại các hội nghị cử tri.
Điểm mới của kỳ bầu cử này, theo quy định là những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Do vậy, tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề xuất không đưa vào danh sách ứng cử 11 người có số phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú dưới 50%. Và kết quả là hội nghị đã biểu quyết chọn 38/39 vị.
Với ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM, có 161/169 người đạt trên 50% tín nhiệm, nhưng trước hội nghị có 2 người rút do chuyên môn, nên danh sách 159 người được cử tri tín nhiệm đã được hội nghị biểu quyết thông qua.
Trong số các hội nghị cử tri nơi cư trú, một số nơi đã phải tổ chức lại. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
- Quá trình tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú, MTTQ TP đã có hướng dẫn, nhưng thực tế có 2 hội nghị phải tổ chức lại, do cơ sở chủ quan, không đọc kỹ hướng dẫn mà làm bằng kinh nghiệm. Lẽ ra phải tổ chức hội nghị cho cử tri trong khu phố, thì hai nơi này chỉ lấy ý kiến cử tri ở một cụm chung cư. Ngoài ra, các hội nghị này cũng không có đủ số lượng cử tri tham dự theo quy định, do vậy phải tổ chức lại. Đó cũng là kinh nghiệm, chúng tôi cần phải lưu ý trong thời gian tới.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, khi có danh sách chính thức, các ứng cử viên bước vào tranh cử. Vai trò giám sát của MTTQ trong giai đoạn này như thế nào thưa ông?
- Suốt quá trình chuẩn bị bầu cử, việc tổ chức giám sát kiểm tra hoạt động bầu cử là trách nhiệm của MTTQ để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt đẹp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có các kế hoạch giám sát bầu cử tại TP Thủ Đức và các huyện. Trong đó, chúng tôi đã lập tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến công tác bầu cử. Tính đến ngày 13-4, MTTQ đã nhận 8 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 3 đơn thư nặc danh. Chúng tôi đã chuyển các đơn thư đến các cơ quan giải quyết theo luật định.
Thời gian tới, song song giám sát theo luật định về việc niêm yết danh sách cử tri, việc chuẩn bị giới thiệu, niêm yết danh sách ứng viên… chúng tôi tập trung giám sát việc trả lời khiếu nại của các cơ quan chức năng mà chúng tôi đã chuyển đơn thư đến. Bên cạnh đó cũng tập trung giám sát các hội nghị tiếp xúc cử tri để giới thiệu tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên.
Ứng cử viên ĐBQH sẽ có ít nhất 10 buổi tiếp xúc cử tri. Với ứng cử viên HĐND TPHCM sẽ có ít nhất 5 buổi. Ứng cử viên HĐND TP Thủ Đức, các huyện, xã, thị trấn có ít nhất 3 buổi. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn cô bác cử tri quan tâm, tích cực tham gia các hội nghị cử tri tiếp theo để có đầy đủ dữ liệu, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, chọn ra người có đức, có tài phục vụ nhân dân.
Một vấn đề cử tri đặt ra là làm sao đảm bảo tính công bằng trong các hội nghị tiếp xúc cử tri tới đây. MTTQ sẽ giám sát như thế nào?
- Số lượng cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi sẽ đảm bảo theo yêu cầu của ứng cử viên. Các chương trình hành động, tiểu sử đều được công khai trên báo chí, trong các buổi tiếp xúc để cử tri thấy được tiểu sử, quá trình phấn đấu cũng như chương trình hành động của ứng cử viên. Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí giúp tuyên truyền, đảm bảo sự công bằng của các ứng cử viên. Và quyền quyết định chính là lá phiếu của cử tri. Chính người dân sẽ thực hiện quyền của mình trong việc lựa chọn ai là người đại diện cho mình.
Trả lời câu hỏi về các trường hợp có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri thấp, ông Ngô Thanh Sơn nhấn mạnh, quyền quyết định nằm ở cử tri nơi cư trú. Theo quy định, ứng viên có thể lựa chọn tổ chức lấy ý kiến ở nơi thường trú hoặc nơi thường xuyên sinh sống. Ông nói: “Theo quan sát của chúng tôi, những ứng cử viên có tỷ lệ tín nhiệm thấp thường là cư trú ở nhiều nơi. Một số ứng viên do di chuyển nhiều nơi ở khác nhau, nên cử tri nhiều người không biết tới, do vậy tỷ lệ tín nhiệm không cao. Hoặc một số người ít tham gia phong trào ở địa phương, ít xuất hiện nên cử tri cũng không biết. Người dân phải biết thì mới chọn. Đó là điều bình thường”. |