Quyền ngắt kết nối tại Nhật Bản

Trong bối cảnh nhiều người lao động phải đối mặt với việc thời gian riêng tư bị xâm phạm do thư điện tử (email) và cuộc gọi công việc ngoài giờ, khái niệm “quyền ngắt kết nối” sau giờ làm đang thu hút sự chú ý tại Nhật Bản.

Quyền ngắt kết nối sau giờ làm là cụm từ cho thấy người lao động được phép từ chối các hoạt động liên lạc điện tử, chẳng hạn như qua điện thoại hoặc thư điện tử liên quan đến công việc ngoài giờ làm việc của mình. Quyền này đã được ban hành tại Pháp từ năm 2017 và cũng đang được ban hành ở các quốc gia châu Âu khác.

Ở Tây Ban Nha, quyền này được áp dụng đối với những người làm việc từ xa và tuân theo các quy định nội bộ. Ở Italy, người lao động được đảm bảo khả năng ngắt kết nối khỏi các thiết bị ngoài giờ làm việc, dựa trên các thỏa thuận quản lý lao động cá nhân. Ở Bỉ, người lao động tại các công ty có từ 50 nhân viên trở lên có quyền thương lượng về tùy chọn ngắt kết nối.

Tuy nhiên, Nhật Bản có thể áp dụng mô hình này hay không vẫn là câu hỏi lớn. Cuộc khảo sát do Liên minh Công đoàn Nhật Bản (Rengo) tiến hành cuối năm ngoái cho thấy, 72,4% người lao động được hỏi từng bị nhận thông tin công việc ngoài giờ và 62,2% cảm thấy căng thẳng vì điều này.

Z8a.jpg
Một văn phòng làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: JOBS IN JAPAN

Tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp bắt đầu áp dụng giải pháp công nghệ để hạn chế liên lạc và giao tiếp sau giờ làm việc, chẳng hạn như ứng dụng “cyzen” của Công ty Redfox Inc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia về lao động và việc làm, trở ngại lớn nhất chính là sự khác biệt trong nhận thức về giờ làm việc giữa Nhật Bản và châu Âu.

Giáo sư Yuichiro Mizumachi của Đại học Waseda cho rằng, Nhật Bản cần cải thiện sự phân biệt giữa công việc và đời sống cá nhân, đồng thời đẩy mạnh số hóa để thúc đẩy các cuộc thảo luận về quyền này.

Trong khi đó, theo Giáo sư Ryo Hosokawa thuộc Đại học Aoyama Gakuin, nên thiết lập điều khoản pháp lý về vấn đề này, nhưng trước hết Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cần xây dựng hướng dẫn và nghiên cứu tình huống theo ngành nghề cho các hoạt động cụ thể, qua đó dần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện quyền này.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận toàn diện về việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn lao động, dựa trên báo cáo của Hội đồng Chính sách lao động. Quyền ngắt kết nối dự kiến nằm trong chương trình nghị sự này.

Động thái này thể hiện sự thay đổi rõ rệt ở quốc gia nơi nổi tiếng với nền văn hóa “nghiện công việc”, thậm chí thường xuyên ghi nhận trường hợp người lao động tử vong do làm việc quá sức.

Cũng nằm trong kế hoạch cải thiện sức khỏe tinh thần của người lao động và giải quyết vấn đề làm việc quá sức tại Nhật Bản, bộ này từng đề cập đến chính sách đổi mới cách làm việc, bao gồm giảm giờ làm, cho nghỉ phép hàng năm có lương, hay giới hạn làm thêm giờ…

Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ cho tuần làm việc ngắn hơn vào năm 2021, sau khi các nhà lập pháp tán thành ý tưởng này. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chậm được thực hiện, khi chỉ khoảng 8% các công ty ở Nhật Bản cho phép nhân viên nghỉ 3 ngày trở lên mỗi tuần, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Mặc dù còn tồn tại khác biệt trong nhận thức về quyền ngắt kết nối, nhưng giới chuyên gia về lao động và việc làm cho rằng việc thúc đẩy vấn đề này có thể là biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần và cân bằng cuộc sống cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục