Khó khăn trong xử lý
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, cho biết, căn cứ quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và điều này phải đảm bảo đúng pháp luật, không xâm hại quyền của cá nhân, tổ chức khác. Khoản 2 Điều 42 Luật An ninh mạng 2018 cũng quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Song, thực tế đến nay chưa có hướng dẫn về việc thu thập chứng cứ và quy trình báo cáo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội thực hiện trách nhiệm của mình.
“Quy định pháp luật hiện tại đã tương đối đầy đủ nhưng chưa mang tính răn đe cao và quá trình giải quyết thường kéo dài, nạn nhân thường gặp khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh vi phạm, chứng minh thiệt hại. Đây chính là vấn đề của cả xã hội nên ngoài các cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng, Nhà nước còn khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng tham gia bảo vệ an ninh mạng, phối hợp cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng”, Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.
Việc thực thi pháp luật vẫn còn gặp nhiều thách thức, theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Ngọc Long còn có 2 nguyên nhân. Một phần là do tính ẩn danh và biên giới mơ hồ của không gian mạng, khiến việc truy vết và xử lý phức tạp hơn. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng tạo ra những kẽ hở mới cho các hội nhóm này khai thác. Các đối tượng vi phạm có thể dễ dàng xóa các nội dung vi phạm pháp luật đã đăng tải trên các hội nhóm.
Chuyên gia công nghệ Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn, lý giải: Các mạng xã hội thường đặt trụ sở ở nước ngoài, việc xử lý vi phạm chủ yếu dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng tại Việt Nam. Mặt khác, vì các nhóm độc hại thường giấu kín và chỉ những người cùng sở thích mới được gợi ý tham gia nên việc theo dõi gặp nhiều trở ngại.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng Phòng Thông tin Điện tử Sở TT-TT TPHCM, cho biết, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”. Theo ông Hòa, hiện đã có nhiều văn bản pháp luật để xử lý các hành vi lợi dụng mạng để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống… Nhưng thực tế, để xử lý một cách cứng rắn còn nhiều vấn đề. Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng internet, trong đó có hơn 72,7 triệu người dùng các nền tảng mạng xã hội, là con số rất lớn. Tại TPHCM có khoảng 22 triệu tài khoản mạng xã hội, riêng Zalo đã có 15 triệu tài khoản. Không có con người nào đủ sức quản lý hết, mà phải cần tới công nghệ, phần mềm quét, AI… để đưa ra những hướng giải quyết.
Về mặt công nghệ, vừa qua, Sở TT-TT TPHCM ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội (Social Beat). Phần mềm này có khả năng thu thập dữ liệu, tìm kiếm và quét thông tin theo chủ đề, địa lý, thời gian từ một loạt nền tảng phổ biến như: Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác. Nó được tăng cường mở rộng với công nghệ AI và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, từng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý.
“Không có công nghệ nào có thể giải quyết được 100% bài toán đang đặt ra. Mỗi phần mềm đều có ưu và nhược điểm riêng. Cho nên, để quản lý tốt các hội nhóm, cần kết hợp nhiều phương pháp, công cụ, phần mềm khác nhau. Để làm được điều này, đội ngũ nhân lực phải được tập huấn chuyên nghiệp, kỹ càng, phải hiểu dòng chảy thông tin đi từ đâu, như thế nào. Nhìn vào một bức tranh mạng xã hội có thể biết đâu là điểm mấu chốt để nhận định những điều đang và sẽ được quan tâm”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ thêm.
Ý thức vẫn là trên hết
Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả và nguy hiểm lại rất thật. Để hạn chế đến mức tối đa hệ lụy xấu từ các hội nhóm, fanpage xấu độc, cần phải có sự kết hợp giữa nhiều biện pháp từ các bên liên quan. “Việc giáo dục người dùng về kỹ năng phê phán thông tin trên mạng là vô cùng quan trọng, giúp họ tránh xa các nguy cơ tiềm ẩn. Vai trò của mỗi cá nhân, người dùng đóng một phần không thể thiếu trong việc phát hiện và báo cáo nội dung xấu, độc, góp phần làm sạch không gian mạng”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nêu giải pháp.
Vai trò của mỗi người dùng mạng cũng được ông Ngô Trần Vũ đặt ở vị trí trung tâm. Theo ông, đối với người dùng nói chung, nhất là người trẻ, khi tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo trước những lôi kéo của các nhóm sở thích và có dấu hiệu lôi kéo cho các mục đích lừa đảo. Người dùng mạng xã hội cũng nên đọc hiểu các kịch bản lừa đảo qua các bài viết trên báo chí để đề phòng ngăn ngừa bị lừa đảo.
Anh Hồ Trần Sơn, Phó Bí thư Đoàn Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, cho rằng, mỗi người trẻ cần trang bị kỹ năng phân tích, lọc dữ liệu từ mạng, cũng như có kỹ năng tìm kiếm thông tin đối chứng sự thật từ chính công cụ mạng. Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng đưa ra hướng dẫn, nếu trở thành nạn nhân và có thiệt hại cả về vật chất, tinh thần, cần ngay lập tức thu thập các bằng chứng liên quan của đối tượng vi phạm; lưu trữ các biên lai, giấy tờ chứng minh được thiệt hại về vật chất; chứng minh thiệt hại về tinh thần. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Bên cạnh đó, có thể tố cáo hành vi vi phạm trên mạng xã hội cùng bằng chứng với công an địa phương để xử phạt hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật.
Ở góc độ tâm lý, TS Phạm Thị Thúy đặc biệt quan tâm đến chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần. Khi đó, chúng ta sẽ có tư duy tích cực, phản biện, biết phân biệt đúng sai, không sa vào các tệ nạn xã hội trên mạng, không phí thời gian tham gia các hội nhóm tiêu cực. “Nếu ai đó đang là nạn nhân của các hội nhóm tiêu cực cần dũng cảm nhận diện nguy cơ, nhận sai và sửa sai. Bạn rời nhóm, tìm sự hỗ trợ, bảo vệ của người thân, những người xung quanh và cả các cơ quan chức năng. Ngoài ra, nạn nhân rất cần sự động viên, đồng hành giúp đỡ. Điều cần trước nhất là không chỉ trích, chê bai, nói xấu… khi phát hiện ai đó đã tham gia các hội nhóm tiêu cực này. Liệu pháp tâm lý cụ thể tùy từng trường hợp, nhưng chúng ta có thể sử dụng ngay cho mọi trường hợp là liệu pháp tình yêu thương. Khi yêu thương, ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân, các vấn đề liên quan, hiểu rõ sẽ có cách giúp đỡ hữu hiệu”, TS Phạm Thị Thúy khuyến cáo.
TS-NGUYỄN THANH HÒA, Trưởng Phòng Thông tin Điện tử, Sở TT-TT TPHCM: Tăng chế tài mới đủ sức răn đe
Mức xử phạt hiện nay, theo tôi là chưa tương xứng. Có những KOLs nổi tiếng quá, họ biết tổng cộng phạt bao nhiêu đó nên sẵn sàng làm một chiến dịch scandal để thu lại những lợi ích lớn hơn sau chiến dịch. Bộ TT-TT đang xây dựng blacklist (danh sách đen) để xử lý, trong đó khuyến cáo các doanh nghiệp không đăng quảng cáo vào các trang, hội nhóm như thế nữa. Phải tăng mức chế tài lên mới đủ sức răn đe các hội, nhóm. Luật pháp phải xử lý nghiêm minh, thấu tình đạt lý. Sở TT-TT TPHCM luôn tạo điều kiện cho cộng đồng sáng tạo nội dung có đất sống, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động kinh tế để đóng góp cho sự phát triển chung. Nhưng ngược lại, tài khoản nào, hội nhóm nào vi phạm thì sẽ xử lý ngay. Và việc này không thể chỉ một đơn vị, phòng chức năng có thể quản lý, xử lý được hết, mà cần sự phối hợp quyết liệt của các phòng, đơn vị chức năng.