Làm kinh tế dựa trên sự chú ý
Chuyên gia truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long nêu quan điểm, hiện việc sử dụng AI và nhân sự để phát hiện và xóa bỏ nội dung xấu độc là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết rằng các nền tảng rất không muốn áp dụng triệt để việc này, vì khiến họ không có được những nguồn traffic (lượng truy cập) đáng kể”. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hòa cũng đưa ra đánh giá: “Khó thể nào loại bỏ hết các hội nhóm, vì bản chất các nền tảng công nghệ là càng nhiều người dùng, họ càng thu về lợi nhuận. Trừ khi những vụ việc nghiêm trọng họ mới xử lý, xóa các nhóm vi phạm”.
Theo thống kê, nghiên cứu của Phòng Thông tin Điện tử Sở TT-TT TPHCM, quá trình các KOLs (người nổi tiếng trên mạng), hay nhóm những người nổi tiếng như ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, MC, đạo diễn... tạo scandal để tăng sự ảnh hưởng thường có 6 bước: tạo một câu chuyện đặc biệt; lập đồng minh, xây dựng nhóm ủng hộ mình và đồng thời tạo nhóm anti-fan để gây sự chú ý hơn nữa; thu hút các đơn vị báo chí, dư luận xã hội đăng thông tin; kiếm luật sư, đồng thời xây dựng một câu chuyện, một cái cớ để thoát khỏi sự vụ này như bệnh nặng, nhập viện…; bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, đóng phạt và cuối cùng là… bán hàng.
“Thời đại này là thời đại làm kinh tế dựa trên sự chú ý. Càng được chú ý nhiều càng bán được hàng. YouTube và các nền tảng trả tiền dựa trên sự chú ý, lượt xem là điển hình. Cho nên nhiều người, tổ chức mới lợi dụng tạo ra các nhóm với mục đích lôi kéo tương tác của từng cá nhân, nhóm nhỏ để tạo sức mạnh chung để bán hàng, lừa đảo, thực hiện những mục tiêu khác đặt ra. Tất nhiên, vẫn có những nhóm lập ra chia sẻ thông tin, câu chuyện tốt, chia sẻ sở thích chung về các lĩnh vực. Nhưng ngay cả một số nhóm ban đầu tốt cũng có thể từ từ bị lái sang lừa đảo, truyền tải thông tin xấu độc…”, TS Nguyễn Thanh Hòa phân tích chi tiết.
Thực tế, từng hội nhóm hay bản thân mỗi mạng xã hội đều có bộ quy tắc tiêu chuẩn cộng đồng riêng. Như với Facebook, quy định không được sử dụng ngôn từ gây thù ghét; không dung thứ cho hành vi bắt nạt hoặc quấy rối; không được gợi ý hành vi lạm dụng hoặc sai trái về mặt tình dục dưới bất kỳ hình thức nào; không được đăng nội dung cổ xúy, khuyến khích, cấu kết hoặc cung cấp hướng dẫn cho hành vi tự tử, tự hại bản thân… Mạng xã hội Zalo cũng: “Không chấp nhận những nhóm được tạo ra với mục đích quấy rối hoặc gây hấn”; đồng thời không cho phép việc đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin sai lệch, hư cấu, những thông tin chưa có kiểm chứng, nhạy cảm hoặc gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới con người và xã hội. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sinh ra cũng đồng nghĩa luôn có cách để “lách”. Đơn giản cụm từ tự tử bị cấm trên Facebook, nhưng viết theo kiểu “t.ự t.ử” là trót lọt. Nhiều cụm từ bị cấm khác, cũng được “lái” theo cách tương tự.
Anh Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security), cho rằng, về mặt công nghệ, các hội nhóm tiêu cực, xấu, độc trên mạng hiện đang có những thủ thuật là đăng tin và clip theo xu hướng của người dùng để câu dẫn người tham gia. Qua các nhóm có cùng sở thích, tội phạm mạng sẽ câu dẫn người dùng đến mục đích thực sự của họ.
Thông qua cuộc khảo sát với 1.063 người Việt Nam trong năm 2023, báo cáo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho biết: Facebook, Gmail, Telegram, Google, TikTok... là những kênh chính bị bọn lừa đảo khai thác để tiếp cận các nạn nhân ở Việt Nam. 70% người Việt Nam phải đối mặt với gian lận mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, 55% người được khảo sát tin rằng họ có thể nhận ra các trò gian lận, trong khi 14% cho biết họ không tự tin về tình hình này. 22% nạn nhân cho biết họ không thể cưỡng lại sự cám dỗ từ những lời đề nghị hấp dẫn. 66% nạn nhân không muốn trình báo vụ lừa đảo với chính quyền. Joriji Abraham, người đứng đầu GASA, cho biết, chỉ 1% nạn nhân có thể đòi lại số tiền họ đã mất.
“Bẫy” khắp cõi mạng
Theo chuyên gia tâm lý - TS Phạm Thị Thúy, ở góc độ tâm lý, các hội nhóm càng chứa nhiều thông tin tiêu cực, tên hội càng gây sốc càng thu hút. Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc các hội nhóm này đã kích thích trí tò mò, hội chứng FOMO - sợ thiếu thông tin, thích tìm hiểu cái xấu, cái độc, cái lạ, cái gây sốc của một bộ phận cư dân mạng, nhất là các bạn trẻ. “Nguyên nhân của tình trạng này thường là do sự khủng hoảng tâm lý của một bộ phận cá nhân trong xã hội, sự trống rỗng, mất định hướng, sức khỏe tinh thần kém…, đã khiến họ chán nản, lướt mạng giết thời gian và dễ sa vào các hội nhóm này. Nguyên nhân này rất đáng lo ngại, cần được cảnh báo sớm và cần giải pháp can thiệp kịp thời”, TS Phạm Thị Thúy nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhận thấy: “Những kẻ xây dựng hội nhóm cũng áp dụng các chiến lược tinh vi như sử dụng hình ảnh thu hút, tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi để kích thích người dùng tương tác, từ đó lan truyền rộng rãi”. Trong khi đó, về phía người dùng, việc vô tình hay cố ý tham gia vào các hội nhóm, fanpage xấu, độc có thể được giải thích qua nhiều nguyên nhân. Một số người dùng có thể không nhận thức được hậu quả của việc theo dõi hoặc tương tác với các nhóm này. Những người khác có thể do tò mò hoặc muốn tìm hiểu xem những nhóm này đang nói gì. “Đôi khi, sự tham gia có thể xuất phát từ mong muốn được thuộc về một cộng đồng nào đó, dù là tiêu cực hay không”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Nhiều hội nhóm xấu, độc, thậm chí vi phạm pháp luật hiện vẫn có thể ngang nhiên hoạt động công khai trên các mạng xã hội. Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, điều đó có sự thúc đẩy của 4 yếu tố. Thứ nhất, thuộc về bản chất, bởi thời đại công nghệ số, mạng xã hội như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chúng kết nối công việc, những mối quan hệ, là công cụ để cung cấp tin tức, giải trí…
Thứ hai, một bộ phận có ý thức xã hội kém, thiếu hiểu biết pháp luật đã lợi dụng tâm lý để tạo ra các nhóm độc hại này. Bên cạnh đó, kỹ năng sử dụng mạng, đặc biệt là kỹ năng chọn lọc và tiếp nhận thông tin của người trẻ còn chưa đủ vững vàng. Thứ ba, sự đa dạng nguồn thông tin với số lượng lớn, đến từ các hình thức mạng xã hội khác nhau khiến việc can thiệp và loại bỏ hoàn toàn là rất khó khăn. Thứ tư, các hành vi thể hiện sự “xấu, độc”, vi phạm pháp luật đến từ các cá nhân riêng lẻ là chủ yếu, các hội nhóm trên không phải là đối tượng vi phạm, do đó việc can thiệp, xử lý và xóa bỏ đối với các hội, nhóm kể trên còn thiếu căn cứ.
Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Đối với người bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với các trường hợp hội nhóm rủ rê, hướng dẫn nhau cách tự sát, có dấu hiệu tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với các trường hợp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, mục đích chiếm đoạt tài sản thì các thành viên tham gia hướng dẫn chia sẻ khi có đủ căn cứ sẽ có thể bị khởi tố với vai trò đồng phạm.