"Quyền lực" trên mạng xã hội - Ảo mà thật - Bài 1: Sốc để thu hút

Những ngày vừa qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện thông tin lừa đảo, sai sự thật, tiêu cực... thậm chí nhiều cá nhân còn chạy quảng cáo để các thông tin này tiếp cận đến nhiều người dùng hơn.

LTS: Thời gian qua, trên mạng xã hội, nhiều Fanpage hội nhóm liên tục đăng tải những thông tin xấu độc, tác động tiêu cực tới tâm lý người dùng, chi phối hành vi và nghiêm trọng hơn là lôi kéo, rủ rê nhiều người vi phạm pháp luật, hay xâm phạm quyền, đời tư của cá nhân, tổ chức. Điều này đòi hỏi bổ sung nhiều biện pháp quyết liệt từ các bên liên quan để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Rủ nhau làm bậy, lừa đảo

Theo ông Phạm Nam Thắng, Quyền Tổng Giám đốc Fahasa, trước đây có tình trạng nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh hoặc giả mạo nhân viên của Fahasa đưa tin tuyển dụng, mua bán khiến đơn vị phải liên tục đưa thông tin cảnh báo. Tất cả thông tin này mục đích thu hút người xem vào trang quảng cáo những hoạt động khác của chủ các tài khoản.

cn3-tieu-diem-7685.jpg
Những hội nhóm xấu độc xuất hiện tràn lan trên Facebook

Thực tế, khi vào nhóm công khai “Tìm kiếm việc làm thêm tại Hà Nội” với hơn 128.000 thành viên, hiện còn rất nhiều thông tin tuyển dụng mạo danh Fahasa. Khi có người vào hỏi, các chủ tài khoản này đều trả lời giống hệt nhau: check ib (kiểm tra tin nhắn) nhé bạn, đề nghị trao đổi qua Zalo, hay mời vào các hội nhóm trên các mạng khác để hướng dẫn nhận công việc. Và ai cũng biết, việc đâu không thấy, chỉ “rước họa vào thân” như chào mời chơi tiền ảo, đánh bài, cá độ online...

1980Books cũng vừa phải phát thông báo khuyến cáo cảnh giác trước những website, Facebook giả mạo đang thực hiện hành vi lừa tiền qua các kênh tuyển dụng không chính thống với các thủ đoạn: tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà, không cần bỏ vốn, tham gia nhóm trên ứng dụng Telegram thực hiện nhiệm vụ đọc sách, nhận lương mỗi ngày, nạp tiền để nhận việc, mở tài khoản… Ngoài đăng tin tuyển dụng giả, chạy quảng cáo lừa đảo, hành vi này còn táo tợn hơn khi làm cả hợp đồng, biên bản giả mạo.

Với chiêu thức tương tự, một công ty truyền thông (giấu tên) có trụ sở tại đường Nguyễn Công Trứ (quận 1 TPHCM) cũng bị mạo danh. Sau khi ứng viên ứng tuyển, các đối tượng này dùng các ứng dụng trò chuyện trực tuyến để trao đổi, gửi link hướng dẫn, mời chào mua thiết bị phục vụ cho công việc với cam kết bảo toàn vốn nhưng thực chất là văn bản giả mạo có tên, logo, con dấu và chữ ký người đại diện pháp luật công ty được thực hiện tinh vi. Với chiêu thức mua hàng với giá trị không lớn, có hoàn vốn cùng lợi nhuận, các đối tượng tiếp tục “dụ” ứng viên bỏ ra số tiền lớn hơn nhưng thực chất là lừa đảo, cướp trắng tiền. Công ty đã ghi nhận có trường hợp số tiền lừa đảo lên đến hàng chục triệu đồng. Nhưng, không phải ai cũng can đảm công khai vì sợ rắc rối, xấu mặt.

Nhiều hội nhóm còn là nơi phát tán, khuyến khích các hành động nguy hiểm cho xã hội. Điển hình như vừa qua, một số thành viên tham gia “Hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều - toàn quốc” đã bị cơ quan chức năng bắt sau khi thực hiện hành vi cướp 1 tỷ đồng của một người phụ nữ tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đáng nói là cuối năm 2023, một số thành viên của hội nhóm này cũng đã rủ nhau đi cướp ngân hàng ở Hóc Môn, TPHCM và cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ ngay sau đó. Các thành viên khi bị bắt thậm chí còn không biết tên nhau, lần đi cướp cũng là lần đầu gặp mặt, mọi liên hệ đều thông qua mạng xã hội.

Và những hội nhóm như vậy đang mọc lên như nấm sau mưa trên các mạng xã hội với đủ loại tên như: Hội những người vỡ nợ muốn làm việc lớn, Hội đòi nợ thuê - đánh thuê, Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu, Hội những người từng đi tù, Xã hội đen - đâm thuê chém mướn - theo dõi, Hội bùng app vay tiền online và kinh nghiệm cách đối phó, Hội những người vỡ nợ muốn làm liều… Nhiều hội nhóm còn có số thành viên lên đến hàng chục ngàn.

Nghiêm trọng không kém là các hội nhóm truyền bá các tư tưởng độc hại như trường hợp một hội nhóm trên Facebook chuyên hướng dẫn tự tử với số thành viên lên đến gần 9.000. Chỉ cần một thành viên vào đặt câu hỏi kiểu “…muốn ra đi nhẹ nhàng” là có hàng chục lời đáp với đủ kiểu hướng dẫn. Và những hội nhóm kiểu như vậy không phải ít, đếm sơ có thể thấy hàng chục hội nhóm tương tự như: Tâm sự của những người muốn tự tử, Hội những người muốn tự tử, Hội những người chán đời muốn tự tử… đều thu hút vài ngàn thành viên. Có một điểm chung, các bài viết trên nhóm thường thể hiện tâm trạng tiêu cực, thù hận và những bình luận kèm theo là cổ vũ, khuyến khích hoặc kích động, thách đố người viết làm những hành vi lệch chuẩn gây kích động, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Trương Hồng Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Vạn Tâm An, những bài đăng hoặc những bình luận trong các nhóm này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý người dùng mạng xã hội, từ đó chi phối hành vi của họ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, đặc biệt ở góc độ pháp lý.

Quyền lực và ẩn họa

TS Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin Điện tử Sở TT-TT TPHCM, cho biết, tại Việt Nam, số tiền bị lừa đảo trên mạng xã hội đang nhiều nhất ở Đông Nam Á. Trong năm 2023, con số này ở riêng Việt Nam đã là gần 16 tỷ USD, trong tổng số 53 tỷ USD trên toàn cầu. Số tài khoản kinh doanh, chơi tiền ảo tại Việt Nam là hơn 26 triệu tài khoản, chỉ sau Ấn Độ, Mỹ. Trong năm 2023 vừa qua, Sở TT-TT TPHCM đã xử lý 211 vụ việc liên quan các trang, tài khoản, trong đó có các hội nhóm xấu độc.

“Mạng xã hội không còn là nơi giải trí mà đang được các “thế lực” coi là “chiến trường” thứ năm, sau hành pháp, tư pháp, lập pháp và báo chí. Tất cả những hoạt động trong đời sống thật hiện nay được dịch chuyển lên mạng một cách sôi động, tạo thành nhiều dòng chảy. Quyền lực của các hội nhóm đi kèm những lợi ích mà từ đó tạo ra vô số những hành vi tiêu cực, phản cảm, kích động các hành vi vi phạm pháp luật ngoài đời thật…”, TS Nguyễn Thanh Hòa nhận định.

Những con số trên cho thấy môi trường này ở Việt Nam cực kỳ sôi động, hoạt động với nhiều hình thức tinh vi. Người ta lợi dụng tính chất xuyên biên giới của các nền tảng mạng để hướng tới lừa đảo kiểu “việc nhẹ lương cao”, “bùng nợ”… Các cuộc gọi lừa đảo thường đến từ các nước khác. Thực tế, đã có những trung tâm lừa người Việt qua một số nước rồi lại trở thành những kẻ gọi điện lừa đảo. Một ngày họ gọi mấy trăm cuộc điện thoại để lừa gạt người ta tham gia vào tiền ảo, các việc khác để lừa tiền.

Anh Hồ Trần Sơn, Phó Bí thư Đoàn Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), chia sẻ: Một số đoàn viên tham gia vào hội nhóm nạp tiền trên mạng để kiếm thêm thu nhập theo kiểu nạp tiền làm nhiệm vụ rồi thu tiền thưởng. Khi câu dẫn đến số tiền vài chục triệu đồng, đối tượng khóa nhóm và biến mất. Nhiều bạn trẻ chưa trang bị đủ kỹ năng sống nhưng lại dành thời gian quá nhiều để lên mạng, dễ bị dụ dẫn vào các hội nhóm xấu với nhiều tác động tiêu cực từ vật chất đến tinh thần, thậm chí cả tính mạng.

“Các cá nhân khi tham gia trong hội, nhóm sẽ dễ bị cuốn theo các tin tức giật gân, dễ sa vào những dụ dỗ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đọc xem nhiều tin xấu sẽ gây hoang mang, càng thêm khủng hoảng tinh thần, gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Những hành vi xấu được cổ vũ trực tiếp và gián tiếp thông qua các nội dung đăng tải, trao đổi trong hội nhóm đó sẽ tạo hiệu ứng đám đông, lôi kéo nhiều người tham gia gây mất an toàn tính mạng, tài sản… cho cá nhân và cho xã hội”, chuyên gia tâm lý - TS Phạm Thị Thúy cho biết.

Có một thực trạng diễn ra khá phổ biến thời gian qua, đó là trào lưu lập các nhóm anti những người nổi tiếng và khi đạt được mục đích, hút số lượng lớn thành viên sẽ được... rao bán. Hàng trăm, hàng ngàn bài viết nói xấu, chế ảnh, video dàn dựng..., thậm chí xuất hiện cả những bài viết, bình luận trên Fanpage của các nhãn hàng, thương hiệu, đối tác quảng cáo... với mục tiêu tẩy chay nghệ sĩ, thu hút người dùng về nhóm của mình. Hoa hậu Ý Nhi, hoa hậu chuyển giới Hương Giang, Bùi Quỳnh Hoa, Sơn Tùng M-TP, Hải Tú, Jack... đều có vô số nhóm anti. Riêng trường hợp hoa hậu Ý Nhi, sau những lùm xùm phát ngôn không chuẩn mực, từng có nhóm anti hơn 650.000 thành viên, chưa kể các nhóm phụ.

Đáng chú ý, nhiều nhóm anti sau khi đạt đủ một lượng thành viên nhất định, độ nóng của vấn đề cũng giảm xuống thì nhanh chóng chuyển thành kênh bán hàng trực tuyến. Đơn cử như nhóm “Anti Nữ hoàng đạo lý” (Hương Giang) được lập ngày 13-11-2018, sau đó lần lượt đổi tên thành: Hội FA tìm bạn, Khẩu trang y tế chất lượng - giá sỉ, Ngắm trai đẹp xuyên quốc gia… và hiện đã thành “Thực đơn ăn dặm cho bé”. Một trường hợp khác là trang mạng xã hội của nhóm anti hoa hậu Ý Nhi, sau khi đã thu hút hàng trăm ngàn thành viên đã đột nhiên đổi thành một nhóm bán hàng và admin thì tuyên bố trang bị hack. Tuy nhiên, chính một thành viên đội quản trị nhóm đã lên tiếng tố cáo admin bán nhóm để kiếm lời.

Tin cùng chuyên mục