"Quyền lực mềm" từ nhiều quốc gia

Theo đài RFI, tại Công viên La Villette, phía Bắc thủ đô Paris (Pháp), 15 “ngôi nhà Olympic” từ nhiều quốc gia trên thế giới quy tụ, là nơi để quảng bá văn hóa với các hoạt động thể thao, giải trí, ẩm thực và cả những màn hình lớn để người hâm mộ có thể xem các trận đấu được truyền hình trực tiếp.

Quảng bá du lịch

Du khách có thể ghé qua nhà Olympic của Mông Cổ, bước vào căn lều tròn, khám phá không gian sinh hoạt truyền thống của người du mục ở thảo nguyên Trung Á, thử cầm những chiếc cung của người Mông Cổ xưa, loại vũ khí làm nên nhiều chiến thắng lịch sử của Thành Cát Tư Hãn.

Ấn Độ thì tạo dấu ấn của riêng mình với thiết kế ấn tượng, tràn ngập sắc màu ngay từ cổng vào, theo mô hình nhà truyền thống của quốc gia Nam Á. Du khách cũng có thể trải nghiệm kính thực tế ảo (VR) “du lịch” khắp Ấn Độ mà không cần rời khỏi chỗ ngồi, đi đến những địa điểm biểu tượng của đất nước.

Nhà Olympic của Ấn Độ cũng bố trí một khu giới thiệu đồ thủ công, với sự hiện diện của các nghệ nhân may trang phục truyền thống, dệt vải, dệt thảm. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia vào các trận đấu cricket, hoặc các buổi hướng dẫn thiền hay tập yoga. Ấn Độ cũng đang đấu tranh để đưa môn yoga vào môn thi đấu chính thức tại Olympic.

Tại không gian văn hóa của Slovakia, bà Judit Sipekiova, thuộc Bộ Du lịch và Thể thao Slovakia, khẳng định, nhiều người không biết xác định vị trí của Slovakia trên bản đồ. Do vậy, đây là dịp quan trọng để Slovakia được chú ý.

L8B.jpg
Nhà Olympic của Brazil tại Paris, Pháp. Ảnh: 20 MINUTES

Nhà Olympic cũng là nơi để các cổ động viên đến xem các trận đấu trực tiếp qua màn hình lớn. Như tại không gian của Brazil phủ sắc quốc kỳ màu vàng xanh, hàng trăm người quy tụ trước các màn hình, rồi người đánh trống, người ca hát, nhún nhảy dưới nền nhạc Mỹ Latinh sôi động. Lần đầu dự một kỳ Thế vận hội, Vanessa, du khách người Brazil, đến Paris cùng chồng. Cả hai đã đi xem các cuộc thi đấu tại sân vận động, nhưng khi đến xem các trận đấu được truyền hình trực tiếp tại nhà Olympic, cô có cảm tưởng là... đang ở nhà.

Còn Clément Ducroix, người Pháp, rất hứng thú với ý tưởng nhà Olympic mở cửa cho hầu hết tất cả mọi người. “Ngay cả khi không biết gì về đất nước đó, chúng tôi vẫn có thể ghé thăm. Không khí rất vui nhộn với màu sắc của Brazil, mọi người cùng thưởng thức các món ăn Brazil, hòa vào nền văn hóa này. Tôi nghĩ đó chính là tinh thần của Thế vận hội, quy tụ mọi người từ khắp nơi, từ các nước khác nhau”, Clément nói.

Nhân tố quan trọng

Thể thao cũng khó có thể tách khỏi chính trị và thường được cho là quyền lực mềm của các nước. Ngoài công viên La Villette, nhà Olympic từ các quốc gia khác cũng được bố trí khắp thủ đô của Pháp, kể cả trong quán rượu (như trường hợp của nhà Olympic Ireland) nhằm quảng bá văn hóa, truyền tải thông điệp của nước mình tại giải đấu thể thao thế giới. Hay nhà Olympic của Saudi Arabia được đặt trong căn biệt thự Cambon Capucines để cải thiện hình ảnh, làm nổi bật các bức chân dung phụ nữ Saudi Arabia đầu tiên tham gia thi đấu tại Thế vận hội…

Trước kia, cụm từ cường quốc thường để chỉ sức mạnh quân sự, địa lý hay kinh tế. Giờ đây, thể thao là một nhân tố quan trọng của sức mạnh cường quốc. Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, hình ảnh, danh tiếng, quyền lực mềm là những thành tố cốt lõi cho một quốc gia tỏa sáng. Vận động viên thể thao của một nước phục vụ màu cờ Tổ quốc. Sau những kỳ Thế vận hội, số huy chương trên bảng tổng sắp được coi như một thước đo để đánh giá quốc gia vượt trội.

Khái niệm “nhà nước” theo như luật pháp quốc tế thì gồm có chính phủ, lãnh thổ có chủ quyền và dân cư. Theo giới quan sát, giờ đây có lẽ phải thêm vào khái niệm này cả đoàn vận động viên Olympic hay đội tuyển bóng đá quốc gia. Một đội tuyển Olympic, đội tuyển bóng đá luôn được mọi người dân trong một quốc gia biết đến, đôi khi có tầm quan trọng, hiệu quả hơn, thực tế hơn so với đại sứ một quốc gia tại Liên hợp quốc.

Đất nước nhỏ bé, giàu có Qatar có thể xem là một điển hình về việc dùng thể thao để đánh bóng tên tuổi quốc gia. Trước những năm 2000, chỉ có các chuyên gia về địa chính trị mới nghe nói đến đất nước này.

Thế nhưng, năm 2011, với 70 triệu EUR, người Qatar mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain của Pháp và từ đó, số lượng các bài báo, phim tài liệu, bình luận đa chiều về Qatar không thể đo đếm được. Nhờ thể thao, Qatar được biết đến nhiều trên trường quốc tế, điều mà tiền bạc và nhất là diện tích, dân số không mang lại được cho đất nước này.

Tin cùng chuyên mục