Vẫn biết, nhờ cộng đồng mạng, thiệt thòi của tài xế Grab phần nào được an ủi nhưng sự việc cũng cho thấy, sức mạnh của cộng đồng mạng “không phải dạng vừa”. Nó tự cho phép mình cái quyền đi quá sâu vào đời tư của người khác.
Nếu trước đây, pháp luật là thứ mà người ta phải dè chừng khi phạm phải điều gì đó, thì ngày nay, có lẽ pháp luật chưa phải là điều gì đó ghê gớm đối với một bộ phận người trẻ. Điều khiến họ ái ngại đầu tiên là đối mặt với cộng đồng mạng.
Phải nói, sức mạnh của cộng đồng mạng đang vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý, nhất là khi nó tự cho mình cái quyền nhân danh cộng đồng để thực thi công lý. Không phủ nhận những việc cộng đồng mạng làm được, nhưng vì “bao đồng” thiếu chọn lọc mà không ít hành động trở nên lệch lạc.
Mới đây thôi, sau khi cầu thủ Công Phượng đá hỏng quả luân lưu trong trận chung kết tại King’s Cup 2019, anh trở thành mục tiêu “ném đá” của cộng đồng mạng với những lời trách móc, chửi bới thậm tệ trên các trang mạng.
Ranh giới giữa người hùng với tội đồ theo quan điểm của cộng đồng mạng thật mong manh. Chỉ vài phút trước thôi, họ còn tung hô, tôn vinh; ngoảnh mặt, người hùng ấy đã thành tội đồ, mọi cố gắng, nỗ lực cũng như những thành tích trước đó đều bị phủi sạch.
Sức mạnh của cộng đồng mạng còn được thể hiện qua số phận của bộ phim Người vợ ba. Cô bé diễn viên 13 tuổi - diễn viên chính của bộ phim - vẫn đang yên ổn cho đến khi cộng đồng mạng xúm vào chỉ trích ê kíp làm phim, đưa cô bé xuất hiện trong vô số lời bàn tán của dư luận.
Trong số hàng ngàn ý kiến nặng nề của cộng đồng mạng ấy, có không ít người chưa biết mặt mũi bộ phim thế nào, họ hùa vào chỉ vì “thích thế”, “nghe là thấy không ưa” hoặc thấy thiên hạ lên tiếng, mình cũng lên tiếng.
“Cộng đồng mạng quyền lực quá!”, đó là câu nói khiến chúng tôi giật mình. Cũng đúng khi bất cứ chuyện gì cũng được nhân danh cộng đồng mạng để nhúng tay vào, từ chuyện kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đến những chuyện “nhỏ như cái móng tay”.
Ai cho cộng đồng mạng cái quyền trở thành cán cân công lý? Không ai cả! Đó chẳng qua là quyền lực ảo, quyền tự phong của một nhóm người và nhiều người; rồi họ hè nhau tung hê người này, kết tội người kia, thoải mái bới móc gia đình, sự riêng tư của cá nhân nào đó để chà đạp, chửi rủa cho đã miệng.
Và khi sự kiểm soát đối với dư luận mạng ngày càng bất lực thì đây sẽ là công cụ để một số đối tượng lợi dụng, phục vụ mục đích riêng của mình. Mạng xã hội không có lỗi, cộng đồng mạng không hẳn có lỗi. Lỗi xuất phát từ sự ảo tưởng quyền lực đám đông mà một bộ phận người dùng mạng xã hội đang tham gia.