Trưa 30-11, sau một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII do Ban bí thư Trung ương đảng tổ chức đã hoàn thành chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thay mặt Ban bí thư đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, đã có gần 134.000 đại biểu dự hội nghị tại gần 900 điểm cầu trên cả nước. TPHCM và nhiều tỉnh như Bắc Giang, Tiền Giang, Hà Giang, Lai Châu… đã nối đường truyền tới nhiều điểm cầu trên địa phương mình.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu bế mạc Hội nghị học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII. Ảnh: TRẦN BÌNH Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, các đại biểu tham dự hội nghị đã thể hiện trách nhiệm cao, nhận thức đúng về tính chất, tầm quan trọng, những yêu cầu của Hội nghị lần này. Nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung và phương pháp truyền đạt của các đồng chí báo cáo viên và đồng tình với công tác tổ chức hội nghị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đã giải thích, làm rõ thêm một số nội dung liên quan tới việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 vừa ban hành. Về nhóm ý kiến băn khoăn việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với những cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết: trong quan điểm thứ 3 của Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu rõ “có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp” và trong Kế hoạch số 07-KH/TW (ngày 27-11-2017) của Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ 21 nhiệm vụ, trong đó có việc sửa đổi Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) theo hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc giảm biên chế; thực hiện nghiêm chính sách theo quy định và bảo đảm kinh phí để thực hiện kể từ năm 2018. “Do đó, chắc chắn quyền lợi của người lao động thuộc diện tinh giản biên chế sẽ được quan tâm giải quyết” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Với nhóm ý kiến đề nghị giải thích thêm về mức độ căn bệnh “quan liêu” trong cán bộ, đảng viên, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã xác định: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở” và đã đưa biểu hiện “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” thành biểu hiện thứ 5 trong số 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.
Điểm cầu Hà Nội trong sáng 30-11. Ảnh: TRẦN BÌNH Về nhóm ý kiến đề nghị phân tích rõ thêm trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài, tích tụ những bất hợp lý trong bộ máy nhà nước nhiều năm qua. Mặc dù chúng ta đã nhận thức được vấn đề và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính đã được đặt ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Trong Văn kiện Đại hội VI, Đảng ta đã xác định: “Bộ máy nhà nước của ta còn cồng kềnh và kém hiệu lực. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp là nguyên nhân trực tiếp làm cho bộ máy nặng nề, nhiều tầng, nhiều nấc”. Đến Hội nghị Trung ương 7, khóa VI (24-8-1989), khái niệm “hệ thống chính trị” được sử dụng thay cho khái niệm “chuyên chính vô sản”, thì vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy cũng đã được nêu ra. Tuy nhiên, kết quả chưa cao.
Nguyên nhân như Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chỉ ra là: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là về những hạn chế, yếu kém đang tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.
“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn thiếu kiên quyết, chưa đồng bộ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt. Khi nói chung, ai cũng thấy cồng kềnh, bất hợp lý, phải làm mạnh mẽ, nhưng đi vào thực hiện thì lại cho rằng mình đã làm tốt, giảm thì giảm chỗ khác” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
TRẦN BÌNH