Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình”.
Như vậy, người lao động đó có thể sống hoặc không sống tại gia đình của gia chủ; công việc của họ rất đa dạng, có thể là nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, người bệnh, người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Điều 180 Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014 đều quy định rõ: “Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với người giúp việc gia đình”. Theo quy định này, hợp đồng lao động giữa hai bên bắt buộc phải bằng văn bản, giúp cụ thể hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Thế nhưng thực tế hiện nay, đa số người giúp việc gia đình và chủ nhà đều không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động mà chỉ thông qua thỏa thuận miệng, chính vì thế đã gặp không ít khó khăn trong quá trình giải quyết nếu xảy ra tranh chấp.
Một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu được người giúp việc gia đình quan tâm chính là vấn đề về tiền lương. Hiện nay, pháp luật quy định tiền lương (bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) do 2 bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc.
Ngoài ra, Điều 14 Thông tư 19/2014 của Bộ LĐ-TBXH quy định nếu người giúp việc làm thêm giờ (ngoài thời gian thỏa thuận hoặc ngày lễ/tết) sẽ được trả lương cao hơn.
Cụ thể, đối với người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động vào ngày thường, thì sẽ được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo giờ làm việc. Nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần, thì được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc.
Đối với người giúp việc làm việc vào ngày nghỉ lễ/tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo ngày làm việc chưa kể tiền lương của ngày lễ/tết có hưởng lương.
Ngoài ra, người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động vào ban đêm thì ngoài tiền lương được hưởng như trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo giờ của ngày làm việc bình thường, hoặc tiền lương của ngày nghỉ hàng tuần, hoặc của ngày lễ tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Đồng thời, Điều 19 Nghị định 27/2014 quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm”.
Như vậy, người giúp việc có trách nhiệm tự lo đóng bảo hiểm theo phương thức tham gia BHXH tự nguyện, chủ nhà không phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc.
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 95/2013, người sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo nếu không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình, hoặc không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú (trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn).
Đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình, người chủ sẽ bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng.