>> Truy tố hoa hậu Trương Hồ Phương Nga về tội lừa đảo
>> Vụ hoa hậu lừa đảo: Trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung
>> Chế định "Quyền im lặng" nhìn từ phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga
LTS: Tại phiên xử sơ thẩm vụ án Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) cùng đồng bọn về phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 21-9 vừa qua, nhận thấy vụ án còn nhiều nội dung chưa được làm rõ trong quá trình điều tra nên hội đồng xét xử của TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Tình tiết số tiền 16,5 tỷ đồng được bị cáo Phương Nga lần đầu tiên khai tại tòa có khả năng sẽ làm thay đổi bản chất vụ án. Sau phiên tòa, chế định “quyền im lặng” một lần nữa được quan tâm đặt ra. Báo SGGP xin trích đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Thành Công xung quanh chế định này.
1. Chế định “Quyền im lặng” trong Bộ luật TTHS 2003 và Bộ luật TTHS 2015
"Quyền im lặng'' là một chế định được bổ sung trong Bộ luật TTHS 2015. Bộ luật TTHS 2003 đã quy định về quyền này, một trong những quyền căn bản của người bị buộc tội nhưng chưa đầy đủ và cụ thể. Đến Bộ luật TTHS 2015, nhằm phù hợp yêu cầu mới của Hiến pháp 2013, quy định về “quyền im lặng” đã được bổ sung một cách đầy đủ nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Theo quy định của Bộ luật TTHS 2003, tại các điều 48, 49, 50 của Bộ luật này thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai. Đây là quyền do vậy những đối tượng này không có nghĩa vụ phải thực hiện, tức họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này. Đây được coi như là cơ hội để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ăn năn hối cải để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi thực tế đã thực hiện hành vi phạm tội cũng như là cơ hội để họ tự bào chữa, bảo vệ mình trong các trường hợp oan, sai. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi họ tự nguyện khai báo mà không bị ép buộc do bức cung, nhục hình.
Bộ luật TTHS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung cần thiết để bảo đảm quyền lợi và bảo vệ cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Cụ thể điều 57, 58, 59, 60 có quy định những người này có quyền Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Đây cũng là quyền, và như đã nói ở trên thì người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền thực hiện hoặc không thực hiện. Nếu khi bị bắt, bị tạm giữ, người bị bắt, bị tạm giữ có chứng cứ, lời khai chứng minh được mình không thực hiện hành vi phạm tội hoặc lời khai, chứng cứ có lợi cho mình hoàn toàn có thể trình bày, khai với cơ quan điều tra, Điều tra viên. Hoặc họ cũng có thể giữ im lặng chờ Luật sư, người bào chữa của mình tới làm việc để đảm bảo đưa ra lời khai có lợi cho mình nhất mà không “hớ hênh” đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc dẫn đến suy đoán là mình có tội.
Đây là một quy định được đưa ra nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Đây cũng là quy định phù hợp với Hiến pháp 2013 Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Thực tế, khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam thì người bị bắt, tạm giữ, tạm giam thường có tâm lý lo sợ dẫn đến thiếu chính xác khi trình bày sự việc, hoặc trình bày theo định hướng của điều tra viên. Trong khi đó lời khai ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng có thể lái vụ án theo hướng của lời khai. Do đó, khi Bộ luật TTHS 2015 có hiệu lực, “quyền im lặng” như cách diễn giải ở điều 57, 58, 59, 60 của Bộ luật này sẽ là tấm lá chắn bảo vệ cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam khi có thể chờ người bào chữa của mình để trao đổi bảo vệ mình theo hướng có lợi nhất cũng như giảm thiểu, hạn chế tình trạng oan sai do mớm cung, bức cung, nhục hình. Thực tế, chế định này đang được áp dụng và mang lại hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vai trò của Luật sư, người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ được nâng lên và khả năng bảo vệ cho những người này cũng tốt hơn do Luật sư, người bào chữa được tham gia bảo vệ cho thân chủ mình từ thời điểm thân chủ bị bắt, bị tạm giữ.
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga tại tòa. Ảnh: I.T
2. Bộ luật TTHS 2015 chưa có hiệu lực thì có được áp dụng chế định “Quyền im lặng” không?
Căn cứ vào Khoản 4 Điều 1 Nghị Quyết 144/2016/QH13 của Quốc Hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 thì mặc dù Bộ luật TTHS 2015 đã bị lùi hiệu lực thi thành tuy nhiên một số quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại Bộ luật này, BLHS 2015 và Nghị quyết 109/2015/QH13 vẫn được áp dụng.
Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13;
b) Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này;
Quy định tại điều 57, 58, 59, 60 Bộ luật TTHS 2015 “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” có thể hiểu là một quy định có lợi cho người phạm tội do vậy vẫn có thể được thi hành, áp dụng và thực hiện mà không cần căn cứ vào hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật TTHS 2015.
Trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Hoa hậu Phương Nga sử dụng “Quyền im lặng” như một công cụ để bảo vệ quyền của mình trước các cáo buộc của cơ quan điều tra. Tình tiết “hợp đồng tình ái” mà hoa hậu – bị cáo này nêu ra chắc chắn sẽ không bị cơ quan điều tra “vô tình” hay “cố ý” bỏ sót khi mà dư luận, báo chí cũng như các thành viên của Hội đồng xét xử đã đều biết được tình tiết này. Do vậy khi tiến hành điều tra bổ sung thì tình tiết này chắc chắn sẽ không bị “bỏ qua”.
Nếu tình tiết được đưa ra là đúng, kết quả điều tra bổ sung cho thấy không đủ chứng cứ buộc tội Hoa hậu này thì tức là Hoa hậu này đã bị oan và hệ quả sẽ là một vụ án kiện ngược lại cơ quan điều tra để yêu cầu bồi thường. Còn không nếu tình tiết đó là sai, việc tiến hành điều tra bổ sung cũng có thể làm rõ nhiều tình tiết để củng cố việc buộc tội Hoa hậu này là đúng.
Việc im lặng không khai báo trong quá trình điều tra về một tình tiết quan trọng mang ý nghĩa quyết định bản chất của hành vi chỉ nên thực hiện khi Người bị tạm giữ hình sự, bị can không có niềm tin vào Cơ quan điều tra nhưng cũng nên tiến hành khai báo khi đã có mặt Luật sư bào chữa cho mình. Còn giữ kín nội dung ấy để khi ra Tòa mới khai thì không phải mọi trường hợp đều có lợi. Bởi rủi ro có thể xảy ra khi lời khai đó ít giá trị chứng minh nên Tòa có thể không chấp nhận. Theo quy định của Bộ luật TTHS về thẩm quyền xét xử của Tòa không phải chấp nhận mọi lời khai của Bị cáo mà còn phải xem xét đến các tình tiết, lời khai, chứng cứ khác mà CQĐT hoặc VKS đã thu thập trong quá trình tố tụng trước đó.
Việc không khai báo một phần hoặc toàn bộ nội dung vụ án của Bị can không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án đó vì cả trong Bộ luật TTHS 2003 và Bộ luật TTHS 2015 đều không quy định. Tuy nhiên, thái độ khai báo cũng là vấn đề được xem xét cho quá trình tổng thể lượng định hình phạt cuối cùng của Hội đồng xét xử. Vì vậy cần cân nhắc thực hiện quyền này một cách có lợi nhất cho bản thân, thể hiện sự công bằng của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật