Diễn biến mới nhất trong tuần này là Thủ tướng vừa tái đắc cử Scott Morrison lần đầu bổ nhiệm nghị sĩ 66 tuổi Ken Wyatt - người bản địa, làm Bộ trưởng phụ trách người bản địa Australia. Nhiều người Australia bản địa vui mừng trước sự thăng tiến của ông Ken Wyatt, dù cho công việc mới mẻ của ông còn đầy thách thức khi Australia đang đầy tranh cãi về quyền bình đẳng dành cho người bản địa. Năm 2010, ông Ken Wyatt trở thành người bản địa đầu tiên được bầu vào Hạ viện Australia.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị nghị sĩ, ông đã mặc trang phục của người bản địa. Đó là một chiếc áo khoác da kangaroo, được trang trí bằng lông con vẹt đen đuôi đỏ, được biết đến như một biểu tượng của tầng lớp thủ lĩnh người bản địa cao tuổi. Sau đó, ông trở thành người phụ trách sức khỏe người bản địa, một vị trí không có trong nội các.
Trước khi tham gia chính trường, ông là giáo viên tiểu học, là quan chức y tế công cộng kỳ cựu. Tại quốc hội, ông Wyatt giành được sự tôn trọng vì đã gắn bó với bản sắc của mình, thậm chí đôi khi ông đe dọa bỏ phiếu chống lại chính đảng của mình (đảng Tự do) về các vấn đề đi ngược lại lợi ích của người bản địa. Australia chỉ mới có 10 nghị sĩ bản địa ở Quốc hội liên bang trong khoảng 10 năm qua. Mẹ ông, bà Mona Abdullah, là một trong những “thế hệ bị đánh cắp”, là các thổ dân bị buộc rời khỏi cha mẹ theo chính sách đồng hóa của những Chính phủ Australia trước đây.
Người bản địa Australia bị phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đến việc làm. Mãi đến năm 1962, người bản địa mới có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Vì thế, Thủ tướng Australia năm 2008, Kevin Rudd, đã xin lỗi người bản địa về tình trạng phân biệt chủng tộc và sau đó các chính phủ kế nhiệm đến nay khôi phục dần quyền bình đẳng của người bản địa. Người bản địa chiếm khoảng 3% dân số Australia, nhưng các chuyên gia nói rằng điều đó không thể làm giảm tiếng nói của họ trong các cơ quan công quyền.