“Diễn viên” bất đắc dĩ
Nhận được câu hỏi từ đồng nghiệp “Tối qua đi ăn nhà hàng xịn mà không rủ nha”, khiến Lê Thiên Bảo (29 tuổi, kỹ sư Môi trường, ngụ quận 7, TPHCM) ngỡ ngàng khi chuyện anh đi ăn tối cùng gia đình, nhưng đồng nghiệp cũng tường tận. Thiên Bảo kể: “Hỏi ra mới biết là đồng nghiệp lướt mạng, coi mấy video giới thiệu quán ăn, trong video đó họ thấy tôi đang ăn cùng gia đình. Đúng là lúc tôi và cả nhà đi ăn thì thấy nhà hàng có chuẩn bị một nhóm quay phim, tôi nghĩ họ chỉ quay món ăn và quá trình chế biến, không ngờ họ quay cả cảnh khách hàng mà không xin phép”.
Cũng có bức xúc tương tự, Phan Ngọc Minh Thư (27 tuổi, nhân viên thiết kế quảng cáo, ngụ quận 4, TPHCM) phải chấp nhận mất tiền cọc đã đặt bàn tiệc để chọn quán khác, vì nhà hàng đề nghị ghi hình làm video quảng cáo. “Khi tôi và nhóm bạn đến thì thấy có một nhóm đang chuẩn bị máy quay và camera lia khắp quán, tôi có đề nghị không ghi hình bàn tiệc của mình thì phía quán giải thích là họ làm video để chạy quảng cáo, mong khách hàng hỗ trợ. Chúng tôi không đồng ý vì cần không gian thoải mái để bạn bè ngồi lại với nhau, ăn uống thì phải tự nhiên chứ máy quay cứ chĩa vào mặt thì sao mà ăn…”, Minh Thư kể.
Sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đang là lựa chọn công việc yêu thích của nhiều bạn trẻ hiện đại. Ngoài việc tìm học các khóa học làm nội dung video, nhiều người còn sẵn sàng đầu tư các thiết bị, ê kíp quay phim chuyên nghiệp để có thể kiếm thu nhập “khủng” từ các nền tảng, hay hoa hồng quảng cáo. Lĩnh vực sáng tạo nội dung số phổ biến và dễ kiếm tiền là làm video liên quan đến ẩm thực.
Nội dung này thu hút người dùng mạng xã hội vì dễ xem, dễ hiểu và cũng là chuyện “một công đôi việc”, người làm nội dung có sẵn ý tưởng theo phong cách ẩm thực của từng quán… Và các quán ăn, nhà hàng cũng được dịp quảng cáo nhiều hơn trên mạng xã hội để khách biết đến, nhất là những quán mới mở hoặc có vị trí không nổi bật. Tuy nhiên, việc tôn trọng quyền riêng tư nơi công cộng cho các khách hàng khác vẫn ít được những người sáng tạo nội dung chú ý đến.
Sớm nổi tối tàn
Ngoài video giới thiệu quán, người làm nội dung số còn có thể làm tiếp thị liên kết (affiliate marketing) bằng cách để link hoặc biểu tượng giỏ hàng để người xem video có thể đặt mua sản phẩm trực tuyến. Cách này vừa mang lại doanh số cho quán, vừa có thêm hoa hồng cho người làm nội dung theo từng lượt khách chốt đơn. Tuy nhiên, giải pháp tiếp thị liên kết này cũng không ít lần chấp nhận cảnh “sớm nổi tối tàn” khi thỏa thuận hoa hồng giữa chủ quán và nhà sáng tạo nội dung không vừa ý nhau… video vừa lăng xê triệu lượt xem đó, ngay lập tức bị đè bẹp bởi video “bốc phốt” để hạ bệ nhau.
Thời gian gần đây, các quán mới, nhỏ đang dần chuyển qua hình thức tự học hỏi, tự xây kênh cá nhân trên mạng xã hội để giới thiệu quán nhà. Giải thích về việc này, anh Nguyễn Thành Trung (40 tuổi, chủ một quán cà phê trên đường Trần Cao Vân, quận 1) chia sẻ: “Thuê các bạn TikToker, Facebooker giới thiệu thì quán đúng là nhanh nổi, nhưng lại không ít rủi ro. Có bạn làm nội dung giới thiệu quá lố, khách đến quán trải nghiệm không như trong video, tố lên mạng, quán dẹp tiệm luôn. Có bạn giới thiệu tốt nhưng đột nhiên vạ miệng, bị cộng đồng quay lưng, quán cũng chịu chung số phận…”.
Việc tự làm video quảng bá cho quán cũng có một ưu điểm là thuận lợi trong việc chủ động giữ gìn sự riêng tư cho khách. Chị Trần Mỹ Thu (39 tuổi, kinh doanh trà sữa, ngụ quận 5, TPHCM) chia sẻ: “Mỗi ngày quán tôi đều đăng video lên mạng, để khách biết mình đang có gì hay, lạ để ghé hay đặt hàng. Nhưng mỗi lần quay mỗi lần xin phép khách trong quán thì sẽ làm không xuể, chúng tôi chọn cách ghi hình toàn cảnh, quá trình chế biến, nhân viên phục vụ và dùng các biểu tượng dễ thương để che mặt khách hàng, tránh làm lộ hình ảnh của họ”.
Kiếm tiền từ mạng xã hội hay dùng đó để làm kênh quảng bá tăng doanh thu cho sản phẩm, dịch vụ trở thành chuyện phổ biến của đời sống 4.0… Nhưng đâu là giới hạn cho quyền riêng tư cá nhân, sự thoải mái cho mình và người khác, phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử khi chia sẻ nội dung lên nền tảng trực tuyến.