Qua đánh giá của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đại Từ, 100% số hộ được vay vốn từ Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế đều trả lãi đúng hạn, không có nợ xấu, đa số các hộ đã phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, có một số hộ còn tạo được việc làm cho từ 3 đến 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào sản xuất, cải tạo vườn chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở dịch vụ kinh doanh vừa và nhỏ.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, tổ dân phố Cầu Thành 2 là hộ ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, có con bị khuyết tật nên hoàn cảnh khá khó khăn. Năm 2015 – 2017 gia đình ông vay 50 triệu từ Quỹ Vốn vay Phục hồi Kinh tế để đầu tư mô hình chăn nuôi gà, chủ yếu vào việc xây dựng chuồng trại và mua con giống với qui mô ban đầu là 300m² với 500 con gà nuôi lấy trứng giống. Đến nay mô hình này đã phát triển trên 2.000 con gà với diện tích chuồng trại lên 1.200m², thu nhập bình quân tăng từ 4-5 triệu đồng/tháng lên trên 10 triệu đồng/tháng.
Theo ban quản lý Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế, điểm nổi bật của mô hình này là một phần tiền lãi thu được sẽ mang tái đầu tư vào các hoạt động nâng cao năng lực cho người dân, cụ thể như: Tổ chức được 23 lớp tập huấn cho trên 1.500 người tham gia, với các nội dung tập huấn về chăn nuôi an toàn, sản xuất chè an toàn, vệ sinh an toàn trong sản xuất chè, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và trồng trọt… Công ty Núi Pháo đã phối hợp với phòng, ban chuyên môn, các các xã, thị trấn của huyện Đại Từ tổ chức 5 đợt thăm quan các mô hình điểm về sản xuất chè tại xã Tân Cương (TP Thái Nguyên); mô hình sản xuất chè an toàn, hữu cơ, mô hình nuôi chim bồ câu... cho trên 400 hộ dân trên địa bàn với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng.
Nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về hiệu quả Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế, để rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tiếp theo đồng thời ghi nhận, động viên các cá nhân, tập thể thực hiện tốt mô hình và đóng góp tích cực cho chương trình, Công ty Núi Pháo phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đã tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế. Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng: Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế đã mang lại hiệu qủa kinh tế, gia tăng thu nhập, tạo thêm việc làm và có những tác động tích cực đến người hưởng lợi; đề nghị Công ty Núi Pháo tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn vốn, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng vay vốn và kéo dài thời hạn vay vốn.
Được biết, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đối với việc huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp thì tại Thái Nguyên chỉ có các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai và thị xã Phổ Yên là huy động được sự vào cuộc của gần 20 doanh nghiệp, với tổng số vốn ủy thác là 9 tỷ đồng (trong đó, riêng Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo là 6 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nguồn vốn của Công ty Núi Pháo được Ngân hàng CSXH quản lý, cho vay đúng đối tượng, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo còn tạo nên làn sóng mới về xã hội hóa các nguồn lực bên ngoài đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện nói riêng cũng như toàn tỉnh để cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng như các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế.”
Mô hình quỹ vốn vay do Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) thuộc Công ty CP Masan High-Tech Materials ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đại Từ thực hiện. Đây chỉ là một trong số những chương trình phục hồi kinh tế mà Công ty Núi Pháo đã thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua nhằm thực hiện cam kết chia sẻ lợi ích bằng các hoạt động kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng vùng dự án. |